CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ GẶP MẶT ĐOÀN ĐẠI BIỂU DOANH NGHIỆP GIA ĐÌNH TIÊU BIỂU CẢ NƯỚC

03/11/2023

Chiều tối 03/11 tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân tham gia sở hữu và điều hành doanh nghiệp gia đình cần quan tâm xây dựng, trau dồi, rèn luyện đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần dân tộc, khát vọng cống hiến, trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong kinh doanh.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ HỘI KIẾN TỔNG THỐNG MÔNG CỔ: THÚC ĐẨY HỢP TÁC GIỮA HAI CƠ QUAN LẬP PHÁP, TẠO TIN CẬY CHÍNH TRỊ SÂU SẮC VIỆT NAM – MÔNG CỔ

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TIẾP TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN SAMSUNG ELECTRONICS

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các doanh nghiệp tiêu biểu.

Tham dự cuộc gặp mặt có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Cùng dự cuộc gặp mặt có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh…

Về phía Đoàn đại biểu Doanh nghiệp tiêu biểu có Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công; Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam Phạm Đình Đoàn cùng 70 đại biểu là Ủy viên BCH VCCI, đại biểu Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam và các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu cả nước.  

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Các văn kiện qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam là đội ngũ nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/12/2011, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi), lần đầu tiên hiến định vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Từ Đại hội XI sang Đại hội XII, văn kiện Đại hội đã bổ sung mệnh đề “phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, từ đây đã tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Tháng 10 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41, đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc – đây là một điểm mới so với Nghị quyết 09. Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, XV, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân càng được coi trọng. “Từ khoá” xuyên suốt trong các quyết sách của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ chính là “mọi quyết sách đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Tất cả các quyết sách đều tập trung lo cho nhân dân, lo cho cộng đồng doanh nghiệp bởi đó cũng chính là lo cho đất nước”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, lãnh đạo và doanh nghiệp nhiều nước đánh giá cao các quyết sách của Quốc hội nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 bùng phát vừa qua như: Nghị quyết số 30 cho phép Chính phủ được thực hiện các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, chưa được luật quy định hoặc thậm chí trái với luật để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế - xã hội, hay Nghị quyết số 43 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... cùng nhiều quyết sách về đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, bổ sung nguồn lực vô cùng lớn thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị có rất nhiều đổi mới về nội dung và cũng gửi gắm rất nhiều kỳ vọng của Đảnh và Nhà nước, trong đó đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc. “Tôi rất thiết tha ý này. Để phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc thì rất cần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong các gia đình doanh nhân. VCCI, Hội đồng doanh nhân gia đình Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nội dung này của Nghị quyết số 41”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân tham gia sở hữu và điều hành doanh nghiệp gia đình cần quan tâm xây dựng, trau dồi, rèn luyện đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, thương dân, khát vọng cống hiến, trách nhiệm xã hội. 

Khẳng định Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân tham gia sở hữu và điều hành doanh nghiệp gia đình cần quan tâm xây dựng, trau dồi, rèn luyện đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, thương dân, khát vọng cống hiến, trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững và xứng tầm là những doanh nhân đại diện cho một đất nước Việt Nam phát triển, văn minh, hạnh phúc.

Cần lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam. Xây dựng, thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh mang đậm bản sắc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hoá kinh doanh quốc tế, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh năng lực, hiệu quả quản trị của các doanh nghiệp gia đình. Theo đó, “doanh nghiệp gia đình nhưng quản trị phải năng lực, trình độ quản trị phải mang tầm quốc gia. Muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải vươn ra thế giới, phải có trình độ, năng lực quản trị quốc tế”.

Đại diện VCCI và các đại biểu tại cuộc gặp mặt.

Cùng với đó, cần quan tâm hợp tác, liên kết, phối hợp với nhau, nhất là giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ động tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi giá trị. “Muốn đi nhanh thì có thể đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội sẽ làm hết sức mình, ban hành các quyết sách đúng đắn, kịp thời, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; luôn lắng nghe, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân, VCCI trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân; tăng cường rà soát văn bản và giám sát việc thi hành pháp luật, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết vừa qua, thảo luận về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị nên chăng yêu cầu Chính phủ tổng rà soát tất cả các thủ tục hành chính xem vướng mắc ở đâu và có thể sẽ đưa nội dung này vào Nghị quyết về kinh tế - xã hội hoặc Nghị quyết Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân, doanh nghiệp gia đình nói riêng sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang là lực lượng nòng cốt lãnh đạo đội quân chủ lực là các doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển của dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh, hoàn thành nguyện ước của Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm châu.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công báo cáo Chủ tịch Quốc hội tại cuộc gặp mặt.

Trước đó, báo cáo Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, sau 37 năm đổi mới, nước ta đã hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu, với số lượng trên 900.000 doanh nghiệp, trên 20.000 HTX và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp này đã góp phần quan trọng trong thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, góp phần đưa nước ta từ 1 quốc gia kém phát triển, lạc hậu thành nền kinh tế lớn thứ 37 của thế giới, nằm trong TOP20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, doanh nghiệp gia đình là một bộ phận quan trọng, chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ. Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ “doanh nghiệp dân tộc”, một nội dung rất quan trọng để đảm bảo xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Căn cứ định hướng này của Nghị quyết, có thể thấy việc phát triển các doanh nghiệp gia đình là rất quan trọng, vì đây chính là 1 nguồn để hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh, vì vậy có thể hiểu các doanh nghiệp gia đình chính là một bộ phận quan trọng của đội ngũ “doanh nghiệp dân tộc”.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ mong muốn Quốc hội sớm thể chế hoá Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, có những chủ trương, chính sách, các quy định khuôn khổ pháp luật tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho các doanh nghiệp gia đình nói riêng, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nói chung vươn lên phát triển mạnh mẽ…

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc gặp mặt:

Quang cảnh cuộc gặp mặt.

Đại diện các doanh nghiệp gia đình tiêu biểu tại cuộc gặp mặt.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân, doanh nghiệp gia đình nói riêng sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của mình.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công tại cuộc gặp mặt.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ tại cuộc gặp mặt.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Phó Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings Lê Nữ Thùy Dương.

Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's) Vưu Lệ Quyên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm đại diện doanh nghiệp gia đình tiêu biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các doanh nghiệp tiêu biểu.

Trọng Quỳnh - Phạm Thắng