CẦN TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÁC CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, QUYẾT LIỆT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

31/10/2023

Góp ý kiến về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

ĐBQH PHẠM ĐỨC ẤN: CÂN NHẮC VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN GÓI HỖ TRỢ LÃI SUẤT 2% CHO DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn

Bày tỏ quan điểm về về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024, đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, năm 2023, trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Để đạt được những kết quả đó, cử tri, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Quốc hội, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, như: Đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành; tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp, người dân; thúc đẩy tín dụng tiêu dùng; tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; giảm 2% thuế giá trị gia tăng VAT, giảm tiền thuê đất; xử lý, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập về thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… Qua đó, đã giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang 

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, khả năng hấp thụ vốn giảm. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao…

Cũng chia sẻ với những khó khăn tại doanh nghiệp, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, mặc dù kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Theo đại biểu, nguyên nhân là do suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn, sản xuất cầm chừng; sự chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn của một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.

Đại biểu dẫn chứng: “Trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập có đến 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhất là thời điểm cuối quý 1/2023, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường. Bình quân trong quý 1/2023 có khoảng 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động mỗi tháng, trong khi có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường”.

Tiếp tục thực hiện các các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp

Vì vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù; chính sách đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu. Đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh 

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. “Đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần dự báo nhu cầu xây dựng kế hoạch, nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thậm chí, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện gây thiệt hại cho sản xuất”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu ý kiến.

Đồng tình với các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Trần Anh Tuấn kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy nguồn lực cho đầu tư phát triển, bao gồm việc sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%, bố trí 3.000 tỷ đồng đầu tư lĩnh vực y tế. Đồng thời đánh giá cao chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên, đại biểu Tuấn cho rằng, cần phải có cơ chế để cho vay trung và dài hạn thay vì chỉ áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn như hiện nay vì những lĩnh vực ưu tiên này là những động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là khoa học công nghệ, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế số, công nghệ cao…

Theo đại biểu, đây là những động lực để tăng trưởng kinh tế và gia tăng năng suất lao động cho nền kinh tế trong thời gian tới, đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng hơn. Hiện nay, thuế VAT đã giảm từ 10% xuống 8% cho một số mặt hàng. Tuy nhiên, trong thực tế, một số doanh nghiệp gặp lúng túng trong việc áp thuế đối với việc giảm này, không biết sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của họ có được áp 8% hay không? Cho nên cũng còn lúng túng. Để kích cầu nền kinh tế, tôi nghĩ rằng nên giảm VAT cho tất cả các mặt hàng của nền kinh tế thay vì chỉ một số mặt hàng./.

Thu Phương