THẢO LUẬN TỔ 8: CẦN ĐẦU TƯ CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM, ƯU TIÊN ĐƯA RA ĐỊNH HƯỚNG LỚN PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
THẢO LUẬN TỔ 13: ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG KHI TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Tổ 8 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Định và Điện Biên
Nới" tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án
Theo đề xuất của Chính phủ, vốn Nhà nước tại dự án giao thông đường bộ gồm (quốc lộ và cao tốc) được đề xuất "nới" tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tức tăng 20% so với quy định hiện nay, để thu hút nhà đầu tư, địa phương cũng có thể dùng ngân sách làm đường qua tỉnh khác.
Đề xuất "nới" tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án ( Ảnh minh hoạ)
Theo giải trình của Chính phủ thực tế một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần vốn Nhà nước nhiều hơn để đảm bảo khả thi khi kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, tiền để giải phóng mặt bằng tại một số dự án chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư, nếu vốn Nhà nước thấp sẽ khó có hiệu quả tài chính, không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia. Vì thế, việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án PPP giao thông đường bộ nhằm tạo động lực huy động vốn tư nhân, hấp dẫn nhà đầu tư và ngân hàng rót vốn khi hiệu quả tài chính dự án được đảm bảo. Đây cũng là chính sách được Quốc hội cho phép áp dụng tại TP HCM, theo Nghị quyết 98.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư cao tốc, quốc lộ bằng ngân sách địa phương (gồm vốn hỗ trợ từ trung ương nếu có). Chính sách này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cũng như thuận lợi trong quy hoạch, đấu nối hạ tầng. Với dự án giao thông qua nhiều địa phương, Thủ tướng xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản đầu tư, và dùng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho tỉnh khác làm dự án.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng một lần cơ chế đặc thù với dự án từ nguồn thu tăng thêm ngân sách trung ương 2022
Chính phủ cũng đề nghị cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, trong bối cảnh nhiều dự án đang triển khai thiếu vật liệu, giá bị đẩy lên cao. Các cơ chế, chính sách này được Chính phủ đề nghị áp dụng các cơ chế đặc thù trên tới hết năm 2025. Mỗi cơ chế sẽ kèm theo danh mục dự án cụ thể được áp dụng tại các địa phương.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng một lần cơ chế đặc thù với dự án từ nguồn thu tăng thêm ngân sách trung ương 2022. Các loại dự án dự kiến được áp dụng chính sách này, gồm dự án cấp, khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025; dự án do địa phương quản lý đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021-2025)...Ngoài ra, vốn tăng thu ngân sách trung ương 2022 sẽ được dùng để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng (gồm phần chậm trả) của các dự án đã quyết toán.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế tán thành việc cần có cơ chế đặc thù đầu tư dự án cao tốc, quốc lộ, song cũng có ý kiến không đồng ý do chưa rõ hiệu quả chính sách. Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá kỹ hơn tác động của các chính sách, làm rõ nguồn lực thực hiện.
Với từng cơ chế cụ thể, Ủy ban Kinh tế nhất trí với tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án giao thông theo hình thức PPP lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên Uỷ ban Kinh tế cũng nêu quan điểm, chính sách trên vẫn chưa xử lý triệt để những khó khăn của các dự án giao thông PPP hiện nay bởi, thực tế vừa qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn trong huy động vốn do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi, nhưng chưa có cơ chế thỏa đáng bảo vệ nhà đầu tư. Mặt khác, những tồn tại của các dự án giao thông BOT giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; lưu lượng xe thực tế của các dự án này thấp hơn nhiều phương án tài chính đưa ra, chậm tăng phí sử dụng dịch vụ theo hợp đồng dự án. Việc này khiến các ngân hàng nhà đầu tư quan ngại việc tham gia đầu tư các dự án giao thông PPP.
Có ý kiến đề nghị có thể tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án so với quy định của Luật PPP nhưng không vượt quá chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và không xác định tỷ lệ cụ thể tránh trường hợp lợi dụng để đề nghị mức hỗ trợ cao hơn của Nhà nước.
Về giao quyền đầu tư dự án giao thông đường bộ cho UBND tỉnh, theo Ủy ban Kinh tế, chính sách này đã được áp dụng cho một số dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43. Song thực tế triển khai cũng bộc lộ hạn chế, như Ban quản lý điều hành dự án tại các địa phương chưa đồng bộ, có trường hợp địa phương làm tốt, có địa phương gặp khó khăn, dễ phát sinh tình trạng không hoàn thành theo tiến độ của các dự án thành phần. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá sơ kết triển khai chính sách này trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43 để thêm cơ sở thuyết phục các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ phát biểu
Cần tính toán tăng vốn nhà nước song hành với việc tạo cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào dự án giao thông đường bộ
Thảo luận tại tổ 8 về dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù đầu tư dự án giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ bày tỏ băn khoăn khi cho rằng liệu tăng vốn góp của Nhà nước tại dự án PPP lên 70% có thực sự giải quyết được vướng mắc về huy động vốn của dự án không hay điều nhà đầu tư quan tâm là hiệu quả dự án. Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, nếu dự án hiệu quả thì nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng đầu tư với tỷ lệ cao. Vì vậy, ngoài tăng vốn Nhà nước, cần có cơ chế để nhà đầu tư thấy được hiệu quả khi bỏ vốn. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Chính phủ làm rõ, tỷ lệ vốn Nhà nước tăng thêm tại dự án PPP có gồm tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hay không? bởi qua thực tế các dự án khi triển khai, một trong những vướng mắc lớn nhất khiến tăng chi phí, tiến độ chính là hợp phần thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng của các cái dự án
Do vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng bày tỏ băn khoăn khi quy định này đang chưa thống nhất với khoản 5, Điều 4 của Nghị quyết số 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh. Tạikhoản 5, Điều 4 có quy định trường hợp là chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn 50 % tổng mức chi phí của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án TPP, không đảm bảo khả năng hoàn vốn thì Hội đồng nhân dân thành phố xem xét quyết định tăng tỷ lệ và của Nhà nước tham gia vào dự án nhưng không quá 70 % tổng chi phí . Do vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng vấn đề này cần được quy định mạch lạc hơn để thống nhất với Nghị quyết 98.
Làm rõ hơn vấn đề, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thêm băn khoăn khi quy định thẩm quyền giao cho địa phương nhưng năng lực quản lý dự án của mỗi địa phương khác nhau. Dù quy định này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 43, trong bối cảnh cần đẩy nhanh cái tiến độ của các dự án cũng như năng lực quản lý những cái dự án lớn cho các địa phương, giảm tải cho Bộ Giao thông Vận tải khi triển khai đồng loạt nhiều cũng rất nhiều dự án. Qua làm việc các địa phương cho thấy kinh nghiệm về quản lý các dự án lớn tương đối còn hạn chế. Thực tế, ngay cả những Tổng công ty lớn như là Tổng ty đường cao tốc Việt Nam nhưng thực hiện hai cái dự án là đường cao tốc Hà Nội Lào Cai và Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng đều có vấn đề. Do đó để đảm bảo được tiến độ, chất lượng dự án thì cần thẩm định, đánh giá năng lực của từng địa phương và chỉ giao cho địa phương khi thấy đủ năng lực để triển khai. Bên cạnh đó, cần phải làm rõ cơ chế hỗ trợ của Bộ Giao thông vận tải trong trường hợp giao cho các địa phương làm chủ đầu tư, nhưng Bộ Giao thông vận tải vẫn phải tư vấn giám sát, hỗ trợ thành viên Ban quản lý, ban điều hành dự án. Cái này thì tôi nghĩ rằng là cũng phải có một cơ chế để hỗ trợ.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế phối hợp và quản lý giữa Bộ giao thông vận tải và các địa phương sau khi hoàn thành đường cao tốc đảm bảo công tác vận hành, bảo trì công trình phù hợp và hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long phát biểu
Còn đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long bày tỏ quan điểm nhất trí với việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại các Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (nhà nước, tư nhân, Trung ương, địa phương), tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng thống nhất phương án trình của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm, sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn; tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ; tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện. Khi các dự án được hoàn thành sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế xã hội, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp và người dân.
Góp ý quy định về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương tại Điều 5; và về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương tại Điều 6, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, trong thời gian qua, nhiều địa phương có văn bản đề xuất cho phép họ được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông tại địa phương. Tuy nhiên, những quy định hiện hành không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc vì đây là nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương. Do đó, khi trao quyền chủ động, giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án của địa phương hoặc dự án đi qua nhiều địa phương sẽ góp phần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án, gián tiếp hỗ trợ thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP. Với cơ chế đặc thù này, từ trung ương đến địa phương sẽ có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ; phân định rõ trách nhiệm, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương và cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá trên cơ sở xem xét năng lực điều hành, khả năng làm chủ đầu tư dự án của một số địa phương nhất định khi trao quyền vì dự án giao thông quy mô lớn đòi hỏi khả năng điều phối, năng lực điều hành, xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Trong đó, chủ đầu tư, phải đủ năng lực, kinh nghiệm, khả năng triển khai nhanh nhất, tốt nhất các phần việc có liên quan từ chuẩn bi dự án, GPMB, thi công, chất lượng, tiến độ hoàn thành,… và tăng cường trách nhiệm phối hợp các bên có liên quan. Song song đó, cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phân rõ trách nhiệm của các cơ quan, tránh chồng chéo; Thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong huy động, sử dụng nguồn lực ở Trung ương và địa phương khi NQ được QH thông qua; tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng.
Góp ý về chính sách đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2022 (Điều 8). Sau khi tiến hành rà soát, sẽ đề xuất một số dự án giao thông đường bộ có nhu cầu áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trong 03 năm để tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, việc rà soát, đề xuất của các địa phương cần làm rõ được thông tin dự án, gồm Tên dự án cùng với hình thức đầu tư, tổng mức kinh phí đầu tư dự kiến và cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thực trạng cũng như dự kiến thời gian khởi công, hoàn thành. Đồng thời, phải nêu được khó khăn, vướng mắc, và sự cần thiết áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, kết quả mang lại khi sử dụng cơ chế, chính sách đặc thù; cam kết của địa phương về vốn địa phương bố trí tham gia cũng như sự quyết liệt của địa phương trong chỉ đạo, thực hiện đảm bảo tiến độ, mục tiêu hoàn thành Dự án. Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất với tờ trình và kiến nghị Quốc hội đưa danh mục các dự án này kèm theo Nghị quyết để xác định rõ đối tượng áp dụng thí điểm, đây cũng là cơ sở để Chính phủ và các địa phương triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu
Tiếp thu ý kiến đại biểu, làm rõ thêm vấn đề, bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa nhận việc Chính phủ trình Quốc hội nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia lên 70% tổng mức vốn đầu tư là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng đây chưa phải là yếu tố căn bản để tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào dự án giao thông đường bộ bởi theo kinh nghiệm quốc tế đối với các dự án PPP, quan trọng là cơ chế và hiệu quả dự án sẽ thu hút vốn tư nhân. Bên cạnh đó là tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, thì dự án nhóm B và C cũng nên tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, hướng tới sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)
Liên quan đến cơ chế bàn giao dự án cao tốc sau khi đã hoàn thành, bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng chi phí bảo trì, bảo dưỡng duy trì dự án đường cao tốc rất lớn. nên nhiều địa phương không thể có đủ khả năng tài chính để duy tu, bảo dưỡng đối với đường cao tốc. Đối với một số tuyến đường mà sau này Quốc hội cho cơ chế thu phí thì gồn hai phần là phần ngân sách của Trung ương và ngân sách địa phương, sẽ theo cơ chế thu chung và chia sẻ theo tỉ lệ kết hợp. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ Giao thông xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải đang rất quyết liệt triển khai, trong đó đang từng bước chuẩn hoá tiêu chuẩn,quy chuẩn đường cao tốc bắc – nam giai đoạn 1 và 2, trong đó, triển khai các mô hình trạm dừng nghỉ đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện. Ngoài ra sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý các vấn đề mà phát sinh trên các tuyến đường cao tốc để đảm bảo chuẩn đường cao tốc như quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách có hạn, chúng ta phải phân chia theo giai đoạn, theo khả năng của ngân sách nhà nước để từng bước hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để đạt chuẩn như các tuyến cao tốc của các nước hiện đại.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tổ 8:
Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tham dự phiên họp tổ 8
Một số hình ảnh toàn cảnh phiên họp tổ 8
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định
Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long