TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

23/10/2023

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Chính phủ cần tập trung, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm…

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/10: BÁO CÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH; BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH...

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 23/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự Chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể, nghe Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội họp phiên toàn thể, nghe Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đạt mục tiêu tăng trưởng là "vô cùng khó khăn"

Báo cáo thẩm tra Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, các kết quả, nhận định và đánh giá cần phải bám sát Nghị quyết số 16/2021/QH15 và các nghị quyết khác của Quốc hội có liên quan và sát với tình hình thực tế hiện nay.

Về kết quả thực hiện sau 3 năm 2021 – 2023, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến, thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường và không thể dự báo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Trong nước, Việt Nam phải thực hiện đa mục tiêu, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và tự chủ, tự cường gắn với hội nhập quốc tế…

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ triển khai quyết liệt và linh hoạt. Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nhiều nghị quyết khác đã được ban hành kịp thời với quy mô lớn và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sau 02 năm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 cộng với bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhiều rủi ro, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi, đạt được kết quả tích cực. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch (6 - 6,5%); 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24%, cả năm dự báo khoảng 5 - 5,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; khu vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Lạm phát cơ bản được kiểm soát phù hợp; cơ cấu thu ngân sách được củng cố; bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 03 năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận.

Ủy ban Kinh tế đánh giá những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận; tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế như: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 có thời điểm còn bị động, lúng túng, nhất là giai đoạn đầu khi biến chủng Delta bùng phát mạnh; còn tình trạng tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tuy nhiên, chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; Thu NSNN thường xuyên vượt so với dự toán, phản ánh xây dựng dự toán thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo…

Về hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, với tác động mang tính độ trễ của các giải pháp từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2022, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát, phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, Chính phủ, các Bộ, ngành quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Ủy ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 – 2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.

Các đại biểu dự phiên họp.

06 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết cần nhấn mạnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 và các nghị quyết khác có liên quan của Quốc hội. Cụ thể:

Thứ nhất: Bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp. Tập trung, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách sau khi được ban hành.

Thứ hai: Triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025. Tập trung thực hiện phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.

Thứ ba: Nghiên cứu, đánh giá kết quả và đề xuất ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư; triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu thương mại và du lịch trong nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy, cung ứng điện; đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy.

Thứ tư: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ tri thức giai đoạn 2021 – 2030; đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và các trường đại học của Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đẩy mạnh hợp tác giữa các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, công nghệ; thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước; sớm ban hành và tổ chức thực hiện Đề án phát triển thị trường các-bon trong nước.

Thứ năm: Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Khẩn trương trình Quốc hội xem xét, thông qua CTMTQG về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm. Xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội.

Thứ sáu: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy sự chủ động, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

Trọng Quỳnh