ĐOÀN ĐBQH TỈNH KIÊN GIANG LÀM VIỆC VỚI CÁC CHI NHÁNH NGÂN HÀNG
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 16 chương 208 điều, trong đó 160 điều được sửa đổi, bổ sung; quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé (đứng) gợi ý thảo luận tại cuộc họp.
Đại biểu đánh giá dự thảo luật cơ bản đã hoàn chỉnh, các nội dung đã điều chỉnh toàn bộ các hoạt động của tổ chức tín dụng tại Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung mới góp phần giải quyết cơ bản một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đại biểu đánh giá chương 2 của dự thảo luật quy định về ngân hàng chính sách, đây là vấn đề mới so với Luật hiện hành. Tuy còn khá nhiều ý kiến xoay quanh các quy định của ngân hàng chính sách, song đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật đã khá cụ thể làm cơ sở cho việc ban hành các văn bản dưới luật trong triển khai thực hiện.
Đại biểu cho biết hiện nay Việt Nam có hai ngân hàng thực hiện chính sách là Ngân hàng Chính sách xã hội (thực hiện mục tiêu an sinh xã hội) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (thực hiện mục tiêu tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước) do hai cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phụ trách. Còn nhiều vấn đề khó ban hành chi tiết vào luật đối với ngân hàng chính sách, vì vậy giao Chính phủ nghiên cứu các quy định riêng về hoạt động của hai ngân hàng này là phù hợp.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang Trần Văn Phước phát biểu đóng góp dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đại biểu đề nghị tại Điều 12 dự thảo luật cần quy định về việc cung cấp thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba phải được sự đồng ý của khách hàng, trừ một số trường hợp cụ thể như: Khi tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước; khi tổ chức tín dụng trao đổi với nhau thông tin về hoạt động của tổ chức tín dụng; khi phục vụ quá trình can thiệp sớm hoặc kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật…