SỐ LƯỢNG LAO ĐỘNG Y TẾ VÀ GIÁO DỤC PHỤC HỒI ĐÁNG KỂ TRONG QUÝ 2/2023

29/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, TS. Nguyễn Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, số liệu quý 2/2023 đã cho thấy sự hồi phục đáng kể về số lượng lao động làm việc trong hai lĩnh vực dịch vụ quan trọng là y tế và giáo dục.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam bày tỏ quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững thị trường lao động, phục hồi cùng nền kinh tế.

Theo đó, TS.Nguyễn Thắng cho biết, thu nhập của người lao động trong một số ngành giảm trong thời gian sau đại dịch. Trong khi phần lớn các ngành có tăng trưởng thu nhập sau Đại dịch, thì cũng có những ngành giảm thu nhập trong quý 2 năm 2023. So với quý 2/2022, trong quý 2/2023 các ngành có thu nhập của người lao động giảm là cho thuê máy móc thiết bị, lâm nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ việc làm, sản xuất máy móc thiết bị khác, giày dép, sản xuất sản phẩm điện tử, thông tin truyền thông, kinh doanh bất động sản, tư vấn, sản xuất thuốc, bán ô tô và kiến trúc.

TS. Nguyễn Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Ngành sản xuất giày dép, nơi sử dụng khoảng 1,9 triệu lao động với thu nhập lao động thực tế của mỗi lao động vào khoảng 6,6 triệu đồng/tháng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn bộ nền kinh tế là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng trưởng thu nhập thực tế của lao động trong ngành này đã giảm 2,5% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022.

Các ngành dịch vụ xã hội quan trọng có thu nhập tăng xấp xỉ mức tăng trung bình của nền kinh tế trong quý 2/2023 so với quý 2/2022. Mặc dù số lao động lại giảm đáng kể trong quý 2/2022 so với quý 2/2021 nhưng đã có sự phục hồi đáng kể trong quý 2/2023 so với quý 2/2022.

Hai lĩnh vực xã hội chính là giáo dục-đào tạo và y tế có thu nhập tăng nhưng lao động giảm trong thời sau đại dịch trước khi có sự hồi phục mạnh mẽ vào quý 2/2023 so với quý 2/2022. Ngành giáo dục sử dụng hơn gần 2 triệu lao động với mức lương tương đương mức lương trung vị là 7,2 triệu đồng/tháng ghi nhận mức tăng của thu nhập thực tế là 1,8% trong quý 2/2021 so với quý 2/2020 và tăng 6,4% trong quý 2/2022 so với quý 2/2021, kèm theo giảm 4,5% việc làm trong quý 2/2022 so với quý 2/2021. Tuy nhiên, sự hồi phục đã rõ nét hơn khi so sánh quý 2/2023 với quý 2/2022. Theo đó, thu nhập thực tế của lao động trong ngành giáo dục tiếp tục tăng nhẹ 0,1% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022 đi kèm với mức tăng 4,8% về số lao động trong cùng thời kỳ. Tương tự, thu nhập thực tế của lao động trong ngành y tế tiếp tục tăng 1,0% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022 đi kèm với mức tăng 6,2% về số lao động trong cùng thời kỳ.

Lĩnh vực y tế/chăm sóc sức khỏe, vốn sử dụng hơn 634 nghìn lao động với mức lương cho mỗi lao động là 7,6 triệu đồng trong quý 2/2023 cho thấy thu nhập tăng 1,0% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022. Số lượng việc làm trong lĩnh vực y tế giảm 3,8% trong quý 2 năm 2022. Thời gian gần đây rất nhiều thông tin về việc rời bỏ các ngành dịch vụ công như y tế, giáo dục đặc biệt ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh của người lao động vì vậy sự suy giảm tốc độ tăng trưởng lao động trong các ngành này cần phải được giám sát chặt chẽ để có những lý giải cho các nguyên nhân và có thể đưa ra các giải pháp phù hợp trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang thiếu số lượng lớn lao động trong các ngành này. Tuy nhiên, số liệu quý 2/2023 đã cho thấy sự hồi phục đáng kể về số lượng lao động làm việc trong hai lĩnh vực dịch vụ quan trọng này. Đây là một tín hiệu cho thấy sự tiếp tục hồi phục tốt trên thị trường lao động trong quý 2/2023.

Mặc dù làn sóng dịch lần thứ 4 (quý 3/2021) đã làm đảo ngược tiến trình tăng thu nhập và lao động trong các ngành cấp 2, thu nhập đã quay trở lại quỹ đạo tăng trong quý 2/2022 và quý 2/2023.

Tính đến hết quý 4 năm 2020, làn sóng đại dịch đầu tiên (quý 2/2020) chỉ làm chậm tiến trình tăng thu nhập thực tế của người lao động nhưng không làm đảo ngược nó. Làn sóng đại dịch thứ 4 (quý 3/2021) đã làm đảo ngược quá trình tăng trưởng thu nhập của lao động trong các ngành cấp 2. Tuy nhiên, số liệu quý 2/2022 và quý 2/2023 cho thấy tiến trình thay đổi thu nhập của lao động làm công ăn lương đã quay trở lại quỹ đạo tăng trong hầu hết các ngành cấp 2. So sánh thu nhập thực tế của lao động giữa quý 2 các năm từ 2019 đến 2023 với cùng quý 2/2018 cho thấy phần lớn các ngành đều ghi nhận thu nhập thực tế từ lao động trong quý 2/2022 và quý 2/2023 cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2018.

Chênh lệch thu nhập giữa lao động phi chính thức và lao động chính thức đã giảm trong quý 2/2022 nhưng lại có xu hướng tăng lên trong quý 2/2023. Về chênh lệch thu nhập giữa lao động chính thức (có bảo hiểm xã hội) và lao động phi chính thức (không có bảo hiểm xã hội), hai phương pháp đo lường cho thấy những bức tranh khác nhau. Nếu sử dụng thu nhập trên mỗi người lao động, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ có xu hướng GIẢM dần theo các năm 2020, 2021 và 2022.

Tương tự nếu sử dụng tỷ lệ trả lương (thu nhập trên số giờ làm việc), chênh lệch thu nhập trong quý 2/2022 cũng giảm so với quý 2/2021. Cụ thể, chênh lệch theo tỷ lệ trả lương theo lao động và theo giờ làm việc quý 2/2022 đã giảm tương ứng từ 67,2% và 69,7% xuống còn 73,9% và 74,9%.

Minh Hùng