Tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH, Ủy ban Xã hội đã gửi UBTVQH Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến hết kỳ họp thứ 4 trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, Ủy ban Xã hội cho biết, Nghị quyết số 134/2020/QH14 giao Chính phủ thực hiện 10 nhiệm vụ. Cụ thể, việc chủ động, tích cực làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thường trực Ủy ban thấy rằng, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện để kiểm soát thành công dịch COVID-19, quản lý các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, cúm…), bệnh không lây nhiễm; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận tiện, an toàn, chất lượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy còn một số tồn tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân như: Nhận thức về vai trò của y tế dự phòng chưa đầy đủ; sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng có lúc, có nơi còn chưa sát sao; Nhận diện phạm vi chức năng y tế dự phòng tại các văn bản pháp luật chưa có sự thống nhất, trong tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cập. Chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng nhưng chậm được điều chỉnh. Đầu tư cho y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt", chưa đáp ứng yêu cầu về chức năng nhiệm vụ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước bối cảnh già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi cùng với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Chưa thành lập cơ quan kiểm soát bệnh, tật ở trung ương theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW hoặc theo khu vực, theo vùng theo Nghị quyết số 41/2021/QH15...
Từ các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, làm rõ, phân tích nguyên nhân để có giải pháp, định hướng giải quyết nhằm kiểm soát bệnh tật, bảo vệ hiệu quả sức khỏe nhân dân trong thời gian tới.
Về việc khắc phục tình trạng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng, miền, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, trong những năm qua, nhờ có sự quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh, triển khai đồng bộ các hoạt động, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, đặc biệt là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đã được cải thiện.
Tuy nhiên, khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, chất lượng dịch vụ KBCB ở cấp tỉnh nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến quá tải ở bệnh viện tuyến trên; điều kiện về thuốc, thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao (chỉ có 38% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục thuốc và 27,6% trạm y tế xã thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn) ; công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ: Chú trọng nâng cao năng lực gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế; có chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ y tế về cơ sở làm việc; có quy định nhằm bảo đảm việc sử dụng thuốc giống nhau cho mỗi loại bệnh ở các tuyến khác nhau; tiếp tục chính sách luân phiên cán bộ về cơ sở, vùng sâu, vùng xa.
Về việc ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế cơ sở, y tế dự phòng bảo đảm chỉ tiêu Quốc hội đề ra, Thường trực Ủy ban đánh giá cao kết quả đạt được của Chính phủ trong việc chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách cho lĩnh vực y tế hằng năm, trong đó tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, vùng biên giới, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ chi cho y tế dự phòng chưa đạt 30% trên tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 18/2008/QH12; cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở chậm đổi mới, nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở còn thấp, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở ngày càng cao và yêu cầu đầu tư cho y tế cơ sở ngày càng lớn; ở một số địa phương, nhiều Trạm Y tế xã đã xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư ; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình thuộc lĩnh vực y tế, trong đó có đầu tư cho y tế cơ sở còn thấp.
Do đó, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan hữu quan có văn bản hướng dẫn, thống nhất cách xác định phạm vi chi, nội dung chi bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030; sớm chỉ đạo xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong cả nước; tập trung triển khai các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa trong lĩnh vực y tế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã và đang được phân bổ từ nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2021/QH15, nguồn vốn được phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội, sớm đưa các công trình, dự án vào sử dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.