ƯU TIÊN HOÀN THIỆN KHUNG THỂ CHẾ NHẰM THÚC ĐẨY TÁI CƠ CẤU KINH TẾ PHÙ HỢP VỚI CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH

29/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, các hoạt động hoàn thiện khung thể chế nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh đang là hoạt động ưu tiên đầu tiên trong Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan tâm đến vấn đề thúc đẩy tăng trưởng xanh để kiến tạo không gian phát triển nhanh, bền vững.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết, đến nay Chính phủ Việt Nam đã ban hành 2 chiến lưọc quốc gia về tăng trưởng xanh cho 2 thời kỳ phát triển khác nhau. Theo đó, đối với giai đoạn 2011-2021, các cơ chế để hỗ trợ thực hiện Chiến lược TTX bao gồm: Chính sách, chủ trương của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội; các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, thông tư, chỉ thị.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam 

Để tạo lập nền tảng cho quá trình xanh hoá nền kinh tế, ngày 25/9/2012 Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược có 3 nhiệm vụ quan trọng là: giảm KNK, xanh hoá sản xuất, và xanh hoá tiêu dùng.

Nhằm từng bước cụ thể hoá Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó đề ra 4 chủ đề chính gồm: xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Với 66 hoạt động được phân công cho các bộ ngành và địa phương. Trên cơ sở quyết đinh số 403/QĐ-TTg, đã có 8 Bộ và cơ quan ngang bộ ban hành Kế hoạch hành động chiến lược TTX của ngành: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động Thương binh và xã hội.

Bên cạnh đó, các hoạt động hoàn thiện khung thể chế nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh đang là hoạt động ưu tiên đầu tiên trong Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh với nội dung hoạt động được triển khai đầu tiên là rà soát các quy định pháp lý, các chiến lược quốc gia nhằm phát hiện những điểm chưa phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh và đề xuất lộ trình hoàn thiện khung thể chế.

Mặt khác, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, thuộc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã tái khẳng định vai trò quan trọng của đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trên cơ sở triển khai Chiến lược quốc gia về TTX và Kế hoạch hành động quốc gia TTX, các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương. Trọng tâm của các Kế hoạch hành động là cụ thể hóa các mục tiêu, các chỉ tiêu và giải pháp trong Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX, tính đến hết năm 2020 đã có 37 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và thực hiện KHHĐ TTX cấp tỉnh, thành phố.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Bước sang giai đoạn 2021-2030, ngoài định hướng tổng thể và định hướng phát triển theo ngành, lĩnh vực trong Chiến lược tăng trưởng xanh, các chiến lược và chính sách phát triển vĩ mô là nền tảng cung cấp định hướng cho việc xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, gồm có Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030... Theo đó, các mục tiêu vĩ mô về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững; định hướng các nhóm giải pháp lớn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải KNK, các- bon thấp; và xác định động lực phát triển mới là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề ra tại các văn bản định hướng nêu trên, tạo tiền đề pháp lý cho việc xây dựng các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể của các Bộ, ngành và địa phương trong giai đoạn 2021-2030. Cụ thể:

Chiến lược phát triển bền vững và Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 đề ra các định hướng và giải pháp phát triển bền vững, toàn diện, bao trùm cho tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó đề cập đến các giải pháp “xanh” và yêu cầu về ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai. Các nội dung trên là các định hướng quan trọng để xây dựng bộ chỉ số tăng trưởng xanh nhằm tích hợp, cụ thể hóa các nhiệm vụ, hành động “xanh” của các ngành và lĩnh vực ưu tiên có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và giảm nhẹ phát thải KNK, hướng tới mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với môi trường. Thông qua triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, các chủ trương lớn của Đảng tại văn kiện Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được hiện thực hóa. Cùng với đó, các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững và BĐKH và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng được thực hiện, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Minh Hùng