THẨM TRA TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ CHO KH&CN NĂM 2023

28/09/2023

Tại Phiên Thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN năm 2023, dự kiến hoạt động năm 2024, các cơ quan, ĐBQH đã làm rõ về chi đầu tư phát triển cho KH&CN; đóng góp ý kiến để tạo điều kiện, kích thích đổi mới sáng tạo trong KH&CN

ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG TỔ CHỨC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 7

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

Quang cảnh Phiên họp.

Chiều 28/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển khoa học và công nghệ; việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ; kết quả hoạt động khoa học và công nghệ năm 2023, dự kiến hoạt động KH&CN năm 2024. Phiên họp được thực hiện dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư…

Khoa học và công nghệ đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, thực hiện quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN), Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), căn cứ Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2023, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tổ chức nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ , Bộ Khoa học và Công nghệ , Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… về tình hình thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển KH&CN; việc sử dụng NSNN đầu tư cho KH&CN; kết quả hoạt động KH&CN năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024.

Tại phiên họp, thực hiện theo quy định tại Điều 73 của Luật Khoa học và Công nghệ, Ủy ban xem xét, đánh giá về việc ban hành chính sách, biện pháp để phát triển KH&CN; việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho KH&CN; kết quả hoạt động KH&CN; dự kiến kế hoạch năm 2024… KH&CN đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham dự Phiên họp.

Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển khoa học và công nghệ; việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ; kết quả hoạt động khoa học và công nghệ năm 2023, dự kiến hoạt động KH&CN năm 2024, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chi biết, ngân sách Nhà nước (NSNN) dành cho hoạt động KH&CN (chưa tính kinh phí dành cho an ninh-quốc phòng, chi dự phòng, chi đầu tư phát triển dành cho KH&CN) trong năm 2023 chiếm khoảng 0,58% tổng chi NSNN. Trong đó, kinh phí sự nghiệp KH&CN trung ương chiếm 72,78% thấp hơn so với năm 2022; kinh phí sự nghiệp KH&CN địa phương chiếm 27,22%, cao hơn so với năm 2022. Ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN năm 2023 đã được giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo đúng Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Theo báo cáo, đến 18/9/2023, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán và hướng dẫn cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện dự toán chi sự nghiệp KH&CN năm 2023. Số kinh phí của năm 2023 còn lại để triển khai các nhiệm vụ KH&CN quốc gia cấp thiết phát sinh những tháng cuối năm 2023 và các nhiệm vụ KH&CN đột xuất khác theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ.

Về kết quả hoạt động KH&CN, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, tiếp nối kết quả đạt được của các năm trước, năm 2023, KH&CN tiếp tục đồng hành với các ngành, lĩnh vực trong quá trình tái cơ cấu, cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Các chương trình nghiên cứu cơ bản tiếp tục hỗ trợ các tổ chức KH&CN thực hiện nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 22 chương trình/đề án KH&CN cấp quốc gia, với 2 chương trình đặc biệt quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trong năm 2023, cơ chế, chính sách về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động KH&CN, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Nhờ vậy, KH&CN đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực. Trong đó, khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.

Chất lượng nguồn nhân lực KH&CN không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập ở cả khu vực công và tư. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp và ngày càng hài hòa với các tiêu chuẩn thế giới và khu vực. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo, phù hợp với cam kết quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN ngày càng được mở rộng ra các đối tác để cùng phối hợp giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong giai đoạn hiện nay, đăc biệt là tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, chính sách, pháp luật hiện có một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi; việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước có nhiều vướng mắc. Việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu có vướng mắc về giao quyền sử dụng hoạt sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách; trong định giá kết quả nghiên cứu, tài sản, trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN này; trong phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Sự gắn kết giữa các biện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp với mục tiêu đưa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá theo chiều sâu. Cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực KH&CN còn nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gây khó khăn cho hoạt động quản lý KH&CN.

Bộ Khoa học và Công nghệ xác định, trong năm 2024 sẽ triển khai các chương trình, đề án trọng tâm. Trong đó, có triển khai hiệu quả các đề án đã được phê duyệt như: Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Triển khai hiệu quả, có trọng điểm các chương trình KH&CN cấp quốc gia. Xác định rõ những công nghệ trọng điểm cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam; hình thành các đầu bài lớn; đổi mới cách xác định và triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các sản phẩm quốc gia, sản phẩm trọng điểm. Đề xuất các chính sách về tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hàng lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của KHCN và đổi mới sáng tạo, tiếp tục phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Làm rõ hơn nguyên nhân khiến kinh phí sự nghiệp KH&CN trung ương giảm so với năm 2022.

Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thêm về chi đầu tư phát triển cho KH&CN đối với một số dự án

Trình bày ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Thường trực Ủy ban đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Trong năm 2023, các văn bản được ban hành tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo báo cáo của Bộ KH&CN, đến hết tháng 8/2023, liên quan đến lĩnh vực KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: 02 Nghị định; 01 Nghị quyết; 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, trong Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá đầy đủ về chất lượng, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khi được ban hành; đánh giá ảnh hưởng tiêu cực của việc chậm sửa đổi, bổ sung VBQPPL liên quan đến KHCN&ĐMST để phù hợp với thực tiễn cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong thực thi chính sách để thúc đẩy KHCN&ĐMST phát triển trong giai đoạn hiện nay.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.

Về sử dụng kinh phí sự nghiệp KH&CN, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn nguyên nhân, lý do kinh phí sự nghiệp KH&CN trung ương giảm so với năm 2022 và tăng ở phần kinh phí sự nghiệp KH&CN địa phương. Về sử dụng NSNN chi đầu tư phát triển cho KH&CN, tán thành với việc phân bổ NSNN đầu tư cho KH&CN nhằm tập trung ưu tiên mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN trong năm 2023. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện rõ một số nội dung như: Nguyên tắc phân bổ NSNN triển khai hoạt động KH&CN hằng năm cho các bộ, ngành, địa phương; chưa đề cập đến kinh phí dự phòng cho các nhiệm vụ đột xuất tại các bộ, ngành; chưa phân tích rõ hiệu quả của các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển tại các địa phương.

Theo báo cáo thì việc phân bổ nguồn vốn chi sự nghiệp ở địa phương đạt 100%, vốn chi sự nghiệp ở trung ương đạt 88,9%. Tuy nhiên, chưa phân tích rõ tính hiệu quả trong chi sự nghiệp KH&CN, xác định cơ quan, địa phương nào chi hiệu quả; chưa thống kê được chi đầu tư phát triển của địa phương và nguồn đóng góp của các doanh nghiệp cho phát triển KHCN&ĐMST.

Về chi đầu tư phát triển cho KH&CN, Luật Đầu tư công quy định Quốc hội quyết định giao phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ, ngành và địa phương được chủ động giao và điều chỉnh kế hoạch vốn năm trong nội bộ giữa các ngành, lĩnh vực của đơn vị theo khả năng thực hiện dự án. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả nguồn lực chi đầu tư phát triển ngành KH&CN phải trên cơ sở cả giai đoạn trung hạn; việc xác định tỷ lệ tổng số vốn đầu tư công nguồn NSNN ngành KH&CN của các Bộ, ngành và địa phương đã phân bổ theo năm chưa phản ánh toàn diện việc đảm bảo NSNN bố trí vốn đầu tư ngành KH&CN, đồng thời khó kiểm soát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thêm về chi đầu tư phát triển cho KH&CN “Vốn kế hoạch năm 2023 được giao để đầu tư 17 dự án hoàn thành và bàn giao đi vào sử dụng, 18 dự án chuyển tiếp và 5 dự án khởi công mới” tại trang 3 và trang 8 của Báo cáo Bộ KH&ĐT “Tiếp tục đầu tư mới và hoàn thiện 30 phòng thí nghiệm hiện đại, chuyên sâu tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. Đối với định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với định hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 và dự kiến hoạt động KH&CN năm 2024 như Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra.

Tuy nhiên, về hoạt động KH&CN năm 2024 cần tập trung nghiên cứu để giải quyết một số việc như sau: Triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đến năm 2030. Sắp xếp hệ thống tổ chức KH&CN công lập phù hợp với các định hướng ưu tiên về KHCN&ĐMST, kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng và gắn kết nghiên cứu với đào tạo. Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (tháng 5.2024); hoàn thiện 02 hồ sơ Lập đề nghị xây dựng luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) để đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV; Xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Ngoài ra là quan tâm sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư, KH&CN để thúc đẩy sự phát triển của KHCN&ĐMST, đồng thời đồng bộ với quy định của pháp luật về tài chính, đầu tư, mua sắm công và quản lý công chức, viên chức. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off). Tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, dịch vụ KH&CN. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

Tạo điều kiện, kích thích đổi mới sáng tạo trong KH&CN

Tại Phiên họp, các đại biểu đã xem xét, đánh giá về việc ban hành chính sách, biện pháp để phát triển KH&CN; việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho KH&CN; kết quả hoạt động KH&CN; dự kiến kế hoạch năm 2024…

Nhiều đại biểu khẳng định, KH&CN đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, về chính sách, pháp luật hiện có một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN chưa rõ ràng, việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước có nhiều vướng mắc. Đại biểu đề xuất cần phân định rõ quyền lợi, vai trò của các bên để tạo điều kiện, kích thích đổi mới sáng tạo.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – ĐBQH Tp.Cần Thơ cho rằng, hiện các quy định về KH&CN còn có sự bất cập nên cần thay đổi nhận thức về sử dụng ngân sách của Nhà nước sao cho hiệu quả. Điều này cũng là để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học đổi mới sáng tạo, đem lại lợi ích cho đất nước.

Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng: Muốn chuyển giao kết quả KH&CN thì phải định giá sản phẩm. Nếu định giá cao, doanh nghiệp sẽ không mua, còn định giá thấp mà sản phẩm sau đó mang lại hiệu quả kinh tế cao thì nhà khoa học có thể bị quy trách nhiệm làm thất thoát tài sản Nhà nước. Đây là vướng mắc chung của tất cả Viện, trường, đại học trên cả nước.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, hiện nay việc tăng cường đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa nhưng nhiều đề tài không ứng dụng được vào thực tiễn. Ai cũng nói liên kết với doanh nghiệp nhưng liên kết thế nào, chuyển giao vướng, không biết thu về cho Nhà nước bao nhiêu, định giá bao nhiêu. Vấn đề này đề nghị Bộ KH&CN đánh giá sâu sắc, cho kiến nghị cụ thể. Các địa phương, doanh nghiệp rất cần, các trường đại học sẵn sàng, nhưng vướng không làm được. Kết quả nghiên cứu đặt đấy nhưng không ai dám sử dụng vì không khéo lại vi phạm.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội.

Cũng tại Phiên họp, một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ tính hiệu quả trong chi sự nghiệp KH&CN, xác định cơ quan, địa phương nào chi hiệu quả; chưa thống kê được chi đầu tư phát triển của địa phương và nguồn đóng góp của các doanh nghiệp cho phát triển KHCN&ĐMST. Bên cạnh đó cần đánh gia  kỹ hơn kết quả của việc áp dụng khcn mang lại.

Trong khuôn khổ Phiên họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường còn thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023 và dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, đại diện các Bộ ngành, đơn vị hữu quan đối với việc thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học công nghệ năm 2023 và dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho cho khoa học công nghệ năm 2024; Thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023 và dự kiến hiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị các cơ quan, Bộ ngành tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các ĐBQH, thành viên Ủy ban để hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu quan điểm tại Phiên họp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam đóng góp ý kiến.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Tuấn Anh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy kết luận Phiên họp./.

Bích Lan - Trọng Quỳnh