BƯỚC TIẾN LỚN TRONG VIỆC HUY ĐỘNG ĐẦU TƯ CHO ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, TĂNG TRƯỞNG XANH

27/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với bảo tồn tài nguyên môi trường.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan tâm đến vấn đề thúc đẩy tăng trưởng xanh để kiến tạo không gian phát triển nhanh, bền vững.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết, về huy động nguồn vốn cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng trưởng xanh (TTX) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với bảo tồn tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về BĐKH và TTX vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng gần 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2021. Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có thể đáp ứng khoảng 26 tỷ USD, số còn lại phải huy động từ khu vực doanh nghiệp. Việc thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và dòng tài chính thực tế đang đặt ra những yêu cầu về cải thiện cơ   chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân - khu vực được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng tương xứng.

Về nguồn đầu tư công, ngày 31 tháng 10 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg có gắn kết các mục BĐKH với nguồn vốn đầu tư phát triển    và nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Nội dung chi từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó BĐKH và TTX và phát triển bền vững bao gồm: chi đầu tư phát triển đối với nội dung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức và chi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH, TTX (chi đầu tư); và chi thường xuyên bao gồm chi hoạt động của cơ quan, bộ máy hoạt động về BVMT, BĐKH và phát triển bền vững ở trung ương và địa phương và chi thực hiện chương   trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và TTX (chi thường xuyên).

Chi đầu tư cho BĐKH và TTX ở Việt Nam từ năm 2013-2021 của 11 bộ ngành được rà soát có Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông   thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương là bốn bộ có chi đầu tư cho hoạt động BĐKH nhiều   hơn cả. Trung bình mỗi năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển  nông thôn chi bình quân lần lượt là 4040,3 tỷ đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường 3337,8 tỷ đồng mỗi năm, Bộ Giao thông vận tải khoảng 2889 tỷ và Bộ Công thương khoảng 1336 tỷ cho các hoạt động giảm nhẹ. Với xu thế tỷ trọng chi đầu tư công cho thích ứng trong tổng chi đầu tư công   cho BĐKH giảm, tỷ trọng chi đầu tư công cho thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong tổng chi đầu tư công cho BĐKH, TTX có xu hướng tăng, mặc dù vẫn còn thấp. Điều này thể hiện ưu tiên cao của Chính phủ cho các dự án trồng, khôi phục và phát triển rừng, đặc biệt là rừng ven biển và rừng đầu nguồn vì phần lớn các dự án trồng, khôi phục và phát triển rừng được phân loại là dự án vừa   có mục đích thích ứng với BĐKH và TTX, vừa nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Chi thường xuyên cho BĐKH và TTX thể hiện rõ trong mục chi NSNN cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT). Trong giai đoạn 2011 - 2021, chi BVMT đã tăng dần qua các năm và tăng ở cả cấp trung ương và cấp địa phương. Trong đó, nhiệm vụ chi ngân sách cho BVMT tập trung nhiều ở cấp địa phương nên chi NSNN cho BVMT cấp địa phương chiếm tỷ trọng cao (trung bình giai đoạn 2011- 2021 chiếm 85,5% tổng chi NSNN cho sự nghiệp môi trường.

Tốc độ chi NSNN cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2011 – 2021 đạt 10,2%, cao hơn so với tốc độ tăng chi chung của NSNN cùng giai đoạn (đạt 7,2%). Từ năm 2013 đến năm 2021 tổng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường đạt gần 129,8 ngàn tỷ đồng trong đó   khoảng 11,5% là nguồn ngân sách chi sự nghiệp môi trường trung ương; hơn 88,5% từ nguồn ngân sách chi sự nghiệp môi trường địa phương. Tính chung lại, chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2021 luôn đảm bảo đạt tỷ lệ khoảng 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần hàng năm.

Về các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong giai đoạn 2010-2015 có tổng số 16 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), trong đó có 8 dự án trực tiếp thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược tăng trưởng xanh. Các chương trình còn lại có đóng góp gián tiếp, cụ thể là các Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: Giảm nghèo bền vững; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Y tế; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ứng phó với BĐKH; Xây dựng  nông thôn mới; Khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường. Đến giai đoạn 2016-2021, số Chương trình mục tiêu quốc gia giảm từ 16 của giai đoạn 2011-2015 xuống chỉ còn 02 chương trình là: Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới.

Nguyên nhân là do mục tiêu của 16 chương trình quá rộng, bố trí nguồn lực chưa bảo đảm, tổ chức thực hiện có những hạn chế, dẫn đến hiệu quả thực hiện nhiều chương trình chưa cao. Hai Chương trình mục tiêu quốc gia mới góp phần giải quyết những vấn đề có tầm quốc gia và cũng là những nhiệm vụ hết sức cấp thiết hiện nay bao gồm nhiều dự án đường bộ và cấp nước ở địa phương có liên quan đến thích ứng với BĐKH, TTX. Tuy nhiên, đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn trước thì không loại bỏ hoàn toàn, mà rà soát, sắp xếp bố trí hợp lý ở 37 dự án thành phần vào trong 21 chương trình mục tiêu với quy mô hợp lý hơn nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tổng số vốn đã phê duyệt cho 21 chương trình mục tiêu là khoảng 1,14 triệu tỷ đồng, (tương đương 51 tỷ USD) cho giai đoạn 2016 - 2021 trên phạm vi cả nước.

Trong tổng số 21 Chương trình mục tiêu có nhiều chương trình liên quan trực tiếp và gián tiếp tới BĐKH và tăng trưởng xanh, đặc biệt có chương trình mục tiêu riêng cho “Ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh” với tổng vốn thực hiện Chương trình là 15.866 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương: 470 tỷ đồng, vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương: 396 tỷ đồng và vốn ODA: 15.000 tỷ đồng. Mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm thực hiện đồng thời Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất, tạo đà tiếp tục thu hút hỗ trợ vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế. Tính chung lại, NSNN dành cho BĐKH và TTX ở Việt Nam giai đoạn 2015-2021 là  khoảng 166,2 ngàn tỷ đồng mỗi năm, tương đương với 10,9 % tổng chi NSNN và 3 % GDP năm 2018. Trong đó, chi cho các hoạt động chống chịu khoảng 55 ngàn tỷ đồng và chi cho thích ứng là 111,2 ngàn tỷ đồng. Theo (UNDP, 2020), mức chi cho ứng phó với BĐKH ở Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan (0,53% GDP), Cam-pu-chia (1,64% GDP), Vanuatu (2,74% GDP)

Minh Hùng