Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV-XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ quan tâm đến vấn đề tháo gỡ rào cản tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Thân cho biết, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn do cả yếu tố trong nước (như tắc nghẽn thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp cũng như tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư công) và yếu tố ngoài nước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều thời cơ để phục hồi phát triển từ xu hướng dịch chuyển đầu tư cũng như những cơ hội kinh doanh khác từ vị thế chính trị đang lên của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV-XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Việc lựa chọn khẩu vị rủi ro đối với NHTM là quyền được pháp luật quy định. Do vậy, khó khăn của doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng không thể hoàn toàn quy chụp cho các NHTM. Mẫu chốt của giải pháp là khai thông thị trường, kích thích tiêu dụng, nhất là tiêu dùng trong nước.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, cần tiến hành một số giải pháp quan trọng. Cụ thể, về phía Nhà nước, vai trò dẫn lối của Nhà nước trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng. Với nguồn lực có hạn, Nhà nước nên tập trung tháo gỡ những nút thắt “nóng”, có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Chẳng hạn như thúc đẩy lĩnh vực đầu tư công và bất động sản, đây là những khu vực có khả năng lan tỏa cao và trước mắt cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cần có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp "thích thú với nhà ở xã hội", tạo điều kiện cho DNNVV được tham gia ít nhất 30% vào các dự án đầu tư công để từ đó huy động được đa dạng nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức tập thể, tổ chức đại diện như Liên minh hợp tác xã, Tổng Liên đoàn lao động và các Hiệp hội/hội doanh nghiệp nhằm tăng cường liên kết, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa thông qua các giải pháp về tài khóa như kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT, hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu, giảm các loại thuế, phí lệ phí… Nhanh chóng sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV theo chiều sâu, xác định lại ngành nào, lĩnh vực nào và cơ chế nào có thể kéo 100 triệu dân đi lên để từ đó ban hành cơ chế, chính sách phù hợp cho cộng đồng DNNVV phát triển thực chất, ổn định, lâu dài.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán ; nghiên cứu mở rộng, tạo điều kiện cho các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần và các mô hình hoạt động fintech; đồng thời xem xét sửa đổi cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách như quỹ Bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV, quỹ đổi mới khoa học công nghiệp… Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về các tổ chức tín dụng và quyết tâm loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sân sau trong hoạt động ngân hàng để lành mạnh hóa thị trường vốn tín dụng. Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ DNNVV, trong đó đẩy mạnh vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của doanh nghiệp để bảo lãnh cho vay;
Về phía ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng cần sớm trình dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 35 (năm 2016), Nghị quyết 58 (năm 2023) của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN, DN tư nhân, nghiên cứu mở rộng các chương trình cho vay đối với DNNVV; chủ động, thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả hoạt động cho vay ở các địa phương; cương quyết xử lý các trường hợp cán bộ gây khó dễ cho doanh nghiệp. Xem xét giảm các điều kiện cho vay; đồng thời làm việc với các Quỹ Bảo lãnh tín dụng nghiên cứu, sửa đổi cơ chế phối hợp trong bảo lãnh cho vay theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục chồng lấn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Tiếp tục nghiên cứu hạ lãi suất trên cơ sở ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, kiểm chế lạm phát và giữ ổn định tỷ giá.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân nêu rõ, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm bạn hàng và các cơ hội làm ăn kinh doanh mới; đồng thời nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính để làm cơ sở cho các NHTM xem xét cho vay. Chủ động phối hợp với các tổ chức đại diện cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh tới các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn cho doanh nghiệp.