CẦN CÓ ĐÁNH GIÁ CỤ THỂ VỀ TÌNH TRẠNG NGƯỜI LAO ĐỘNG MẤT VIỆC LÀM Ở KHU VỰC PHI CHÍNH THỨC

24/09/2023

Tại phiên họp thứ 26, trong báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn, Ủy ban Xã hội đề nghị cần có đánh giá, số liệu cụ thể về số lượng người mất việc, số lượng người lao động mất việc trở lại quê hương, đặc biệt là có đánh giá số liệu người làm việc ở khu vực phi chính thức, các ngành nghề dịch vụ.

Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Xã hội đã gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực vực lao động, người có công và xã hội.

Theo đó, Ủy ban Xã hội đánh giá, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm phục hồi, phát triển thị trường lao động, ban hành Chương trình phục hồi và phát triển triển thị trường lao động và an sinh xã hội vào năm 2021, quan tâm đến phân bố lại lao động trên phạm vi toàn quốc, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, nhà ở cho công nhân, người lao động, chính sách đối với lao động nữ, lao động khu vực phi chính thức các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động bảo đảm an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc đã được tổng hợp thực hiện. Người sử dụng lao động được hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Kịp thời thu thập, nắm bắt, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh để kết nối cung, cầu lao động. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực được triển khai.

Ủy ban Xã hội cho rằng, trong vấn đề này cần quan tâm một số nội dung đặc biệt. Trong 04 chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội (chính sách số 2, 3, 4, 7 - Phụ lục số VI) thì có đến 2 chính sách (chính sách số 3, 4) và một phần của chính sách số 7 là đang thực hiện hoặc chưa thực hiện dứt điểm. Báo cáo không đề cập đến vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, đặc biệt báo cáo đề cập đến Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tuy nhiên, đây là chính sách hỗ trợ đột xuất một lần, chưa phải là giải pháp căn cơ.

Cùng với đó, báo cáo chưa có đánh giá, số liệu cụ thể về số lượng người mất việc, số lượng người lao động mất việc trở lại quê hương, đặc biệt là có đánh giá số liệu người làm việc ở khu vực phi chính thức, các ngành nghề dịch vụ (quán bar, nhà hàng, quán ăn, karaoke…) mất việc làm. Một lực lượng lao động không trở lại nơi làm việc, sinh sống tại địa phương không có việc làm sẽ có nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Báo cáo cũng không đề cập đến chính sách với lao động nữ. Số liệu không đề cập đến lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng dễ bị tổn thương.

Ủy ban Xã hội cũng tiến hành giám sát, đánh giá việc xây dựng phương án khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương; có giải pháp “giữ chân” và thu hút người lao động quay trở lại nợi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm. Tiếp tục củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Theo đó, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã được 60 tỉnh/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc triển khai và giải ngân cho 126.172 lượt người sử dụng lao động, 5.194.162 lượt người lao động với kinh phí là 3.759,8 tỷ đồng/6.600 tỷ đồng, giải ngân đạt khoảng 60% so với kế hoạch vốn (trong đó chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động đã triển khai cho 28.377 lượt người sử dụng lao động, 463.846 lượt lao động với kinh phí là 539,8 tỷ đồng);

Tuy nhiên, Báo cáo số 338/BC-CP chưa đánh giá được thuận lợi khó khăn, nguyên nhân của khó khăn khi triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khỏa, tiền tệ và Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Xã hội cũng đánh giá nội dung công tác về phát triển nguồn nhân lực dài hạn, toàn diện, hướng tới thị trường lao động đa dạng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao chất lượng dự báo. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, theo dõi việc thực hiện khai trình lao động của người sử dụng lao động và gắn với chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm. Năm 2022 hoàn thành Đề án nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động. Năm 2024, thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu về thị trường lao động.

Theo đánh giá của Ủy ban Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện các hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động để cung cấp thông tin định hướng cho các chủ thể tham gia thị trường lao động, cho hoạt động đào tạo giáo dục gắn với nhu cầu của thị trường lao động được tổ chức. Bộ cũng đã có các giải pháp cụ thể về phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động, các mục tiêu cụ thể về thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ hoạt động dự báo, kết nối cung cầu lao động và các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động, hướng dẫn, chỉ đạo ở cấp địa phương thực hiện các nhiệm vụ phân tích, dự báo ngắn hạn thị trường lao động thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm đã được triển khai, thực hiện.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an đã phối hợp rà soát, đánh giá hiện trạng các cơ sở dữ liệu hiện có của ngành để lên phương án bổ sung dữ liệu; kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu lao động, việc làm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp.

Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng được một số báo cáo để quản lý thị trường lao động. Tuy nhiên, các báo cáo này chưa đến được với các hệ thống giáo dục dạy nghề. Các trường cao đẳng, đại học cũng không được tiếp cận nhiều dẫn đến còn tình trạng nguồn cung lao động không gặp cầu về lao động và ngược lại. Công tác phân luồng đào tạo nghề chưa thực hiện tốt.

Ngoài ra, Chính phủ chưa hoàn thành đề án nâng cao năng lực cung cầu lao động, không nêu được những thuận lợi khó khăn, không đánh giá được nguyên nhân chưa đạt được là khách quan hay chủ quan.

Hồ Hương