Nhiều địa phương chậm ban hành Đề án phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới
Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Xã hội đã gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực vực lao động, người có công và xã hội.
Theo đó, về đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, các thiết chế hòa giải lao động, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về lao động và quan hệ lao động, tiền lương tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện. Đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội của người dân, đặc biệt là người lao động. Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, phục hồi thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã được đề xuất, triển khai.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Bên cạnh đó, tình hình tranh chấp lao động và đình công thường xuyên được theo dõi cập nhật; đã chủ động trong tuyên tryền, giáo dục, hòa giải, xử lý theo pháp luật; vấn đề về quan hệ lao động được quan tâm, chú trọng nhiều hơn ở địa phương, doanh nghiệp. Công tác kiểm tra, thanh tra được triển khai hằng năm; hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện các quy định pháp luật về đối thoại tại nơi làm việc; hỗ trợ, thúc đẩy thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp ở một số địa phương, ngành, nghề.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cũng cho biết, tính đến ngày 30/4/2023, mới chỉ có 08 địa phương ban hành được Đề án phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới, còn đến 55/63 địa phương chưa ban hành Đề án (chiếm 87,3%). Điều đó cho thấy ở nhiều nơi, chính quyền chưa chú trọng và còn lúng túng trong việc xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định. Vẫn còn 31/63 tỉnh, thành phố (chiếm 49,2%) chưa kiện toàn hệ thống trọng tài viên theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Về chính sách tiền lương hợp lý đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, Theo thông lệ hằng năm, Chính phủ đều ban hành nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, trong đó, có hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Đời sống của người nghỉ hưu nói chung và những người có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 đã được quan tâm, cải thiện hơn theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa phân tách số liệu để đánh giá về số lượng người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức lương hưu bằng và dưới chuẩn nghèo theo khu vực nông thôn và thành thị, để nhận định sâu hơn về mức sống thực tế của nhóm đối tượng này, làm giảm ý nghĩa chính sách an sinh xã hội.
Công tác cấp phát kinh phí hỗ trợ tại một số địa phương có lúc còn chậm, chưa chủ động
Đánh giá việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách, Ủy ban Xã hội cho rằng, Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân và doanh nghiệp, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ, được cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và nhân dân ghi nhận; trong các chính sách đó, có chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất; chính sách giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Đây cũng là một trong các giải pháp hữu hiệu, có tác dụng vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan là đại dịch COVID-19 vừa cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với doanh nghiệp, người lao động để chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, có thêm kinh phí sử dụng cho việc phòng, chống dịch và sớm khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, việc làm, thu nhập của người lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; chủ động tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa nhân văn của chính sách, quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động, các thủ tục để thụ hưởng chính sách. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, đạt được nhiều kết quả, phát hiện xử lý kịp thời nhiều sai phạm.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Giai đoạn hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 còn tồn tại một số hạn chế như: Việc hỗ trợ đối tượng là người lao động, hộ kinh doanh và cho người sử dụng lao động vay tiền để trả lương ngừng việc đạt tỷ lệ thấp so với quy mô dự tính ban đầu. Việc triển khai thực hiện công tác xác lập hồ sơ hỗ trợ, chi trả cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thời gian đầu còn chậm, nhất là tại cấp huyện, xã.
Cùng với đó, việc hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chọn và cân đối ngân sách dẫn đến nhiều tỉnh không thực hiện, đối tượng hưởng khác nhau ở nhiều địa phương, tạo ra sự so bì và khiếu nại chính sách. Công tác cấp phát kinh phí hỗ trợ tại một số địa phương lúc đầu còn chậm, chưa chủ động trong việc chuẩn bị, bố trí kinh phí chi hỗ trợ, mặc dù không phổ biến ở tất cả các địa phương, nhưng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ cấp phát chung của cả nước. Công tác triển khai tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất bước đầu còn chậm đến với doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn tình trạng các đối tượng lợi dụng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 28/2021/QĐ-TTg dưới hình thức nhắn tin, gọi điện lừa đảo người lao động. Công tác dự báo khi đề xuất xây dựng chính sách chưa sát với thực tế, chưa kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền dẫn đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ra Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 11/8/2022 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.