Các địa phương triển khai công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIII và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016

22/02/2011

Ngày 18.2, các tỉnh Hà Giang, Hà Tĩnh đã triển khai công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011- 2016.

Trước đó, các tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, TP Bắc Ninh cũng đã triển khai công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011- 2016.

Tại Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, Tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo  gồm 21 thành viên do Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông làm Chủ tịch. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp ủy Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, các huyện, thị xã, sở, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện Chỉ thị 50 - CT/TW ngày 5.1.2011 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 03 - CT/TU ngày 15.02. 2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 15/02/2011 của UBND về lãnh đạo, tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016…

Tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Ủy ban bầu cử gồm 29 thành viên, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh  Võ Kim Cự làm Chủ tịch. Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử  Nguyễn Thanh Bình lưu ý, Ban chỉ đạo lãnh đạo công tác bầu cử đúng luật, chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Ủy ban bầu cử tỉnh Đồng Nai gồm 31 thành viên do Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Chí Thắng làm Chủ tịch. Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo bầu cử của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành đề nghị các cấp ủy Đảng phát huy tinh thần trách nhiệm, xác định công việc cụ thể, phối hợp thực hiện công việc với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, làm đúng, làm đủ, tiết kiệm thời gian, công sức, tài chính để cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất. Phải làm sao để thông qua cuộc bầu cử, tạo được sự đồng thuận cao trong dân, phát huy được dân chủ để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, sớm đưa Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tại Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, các tổ chức phụ trách bầu cử cần tập trung tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ Luật Bầu cử ĐBQH;  Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử HĐND; lãnh đạo tốt công tác nhân sự, đặc biệt chú trọng mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu…

Ủy ban bầu cử tỉnh Thái Nguyên cho biết, các văn bản của Trung ương, của tỉnh về bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã và đang được quán triệt sâu rộng trên địa bàn. Ủy ban bầu cử cũng yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh đề cao tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt cuộc bầu cử, tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân, làm tốt công tác nhân sự  để bảo chất lượng và cơ cấu đại biểu, các điều kiện để bầu cử an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cao nhất.

Nam Định là địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Trong cuộc bầu cử sắp tới, Nam Định chỉ bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND thành phố Nam Định và HĐND các xã, thị trấn Khóa XIII, nhiệm kỳ 2011- 2016. Hiện, tỉnh đã thành lập Ủy ban bầu cử gồm 29 thành viên do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hồng Hà làm Chủ tịch.

Tỉnh Phú Yên đã thành lập Ủy ban bầu cử gồm 23 thành viên, do Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự làm Chủ tịch. Ủy ban bầu cử cũng đã quán triệt sâu rộng các văn bản của Trung ương, của Tỉnh về bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011- 2016. Nhiệm kỳ này, HĐND tỉnh sẽ bầu 50 đại biểu theo hướng cơ cấu: nam 70% (khoảng 35 đại biểu), nữ 30% (khoảng 15 đại biểu), độ tuổi nhỏ hơn hoặc bằng 35 tuổi khoảng 14-16%, ngoài Đảng khoảng 10-14% …

Ủy ban bầu cử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các văn bản của Trung ương, của tỉnh về bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2006- 2011 đã và đang được quán triệt sâu rộng trên địa bàn. Tỉnh đề nghị các đơn vị trực thuộc và các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hiểu rõ về Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử HĐND.

Tại Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 do Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức, tỉnh đã quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác bầu cử. Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo cuộc bầu cử gồm 20 thành viên, do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Ban làm Trưởng ban.

Thành phố Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016. ủy ban bầu cử TP yêu cầu các ngành hữu quan chủ động, trách nhiệm cao với công việc được giao, có kế hoạch chu đáo, cụ thể, bám sát các mốc thời gian theo luật định; xây dựng tiến độ thực hiện công tác bầu cử tại đơn vị theo đúng quy định nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.

 

 

T.Trúc, L.Thành, M.Đức, T. Thanh, T. Tuyên, L. Dung, A. BÌnh, H. Tuấn, N. Long, V. Thắng

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác