TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 14/8: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Phát biểu tại buổi giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là tinh thần lớn của toàn Đảng, toàn dân. Trong đó, đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cuộc đổi mới có chiều sâu, toàn diện, triệt để nhất so với các lần đổi mới trước đây đã thực hiện, khác về tư tưởng chỉ đạo, về tinh thần, triết lý giáo dục, mục tiêu, phương pháp… lấy phát triển toàn diện con người làm chỉ hướng.
Với các đánh giá bước đầu từ phía Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận thấy cần có một số điều chỉnh trong thời gian tới cho phù hợp. Bởi triển khai chương trình là quá trình linh hoạt, là phát triển chương trình chứ không chỉ là triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang điều chỉnh Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; cải thiện việc kiểm soát quá trình biên soạn, thử nghiệm sách, chất lượng của việc thẩm định sách. Việc hướng dẫn giáo viên cũng đang được điều chỉnh dần. Các hoạt động xuất bản, phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục đã và đang được điều chỉnh mạnh trong vài năm trở lại đây theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sách, tăng các biện pháp hỗ trợ học sinh.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chính phủ cũng đang chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc xuất bản sách giáo khoa dạy tiếng các dân tộc thiểu số cũng như trong xuất bản tài liệu giáo dục địa phương. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng thông tư thực hiện việc định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực năm 2024; triển khai xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội trong năm 2024, xem đó là giải pháp căn cơ để phát triển đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, nhiều biện pháp cũng đang được áp dụng để giảm tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiến nghị cần có phương án tăng cường các điều kiện bảo đảm cho đổi mới giáo dục
Đối với ý kiến của Đoàn giám sát nêu trong nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông liên quan đến “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”…, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc lại đối với kiến nghị này.
Giải thích về lý do, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dường như vẫn đang còn những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Theo Bộ trưởng, Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học. Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước không?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách giáo viên sử dụng sách giáo khoa, coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Việc này có thể sẽ ảnh hưởng tới tinh thần đổi mới mà ngành giáo dục hiện nay đang hướng tới về mặt phương pháp.
Thay mặt cơ quan chịu sự giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài Nghị quyết giám sát chuyên đề này, kiến nghị có một nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục, nhất là một nghị quyết giao Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện bảo đảm cho đổi mới giáo dục.
Đặc biệt là phương án để đảm bảo đủ giáo viên cũng như đảm bảo được thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, qua đó giúp các nhà giáo thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới, tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc, nhiều áp lực. Bởi nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy, cô giáo. Giới hạn của số lượng và chất lượng nhà giáo, giới hạn của năng lực và trình độ của nhà giáo là giới hạn của đổi mới và giới hạn của chất lượng giáo dục./.