ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG TỔ CHỨC HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, từ ngày 31/7 đến ngày 11/8/2023, Đoàn đại biểu các cơ quan Quốc hội Việt Nam đã tham gia Khóa đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng tại Australia. Đây là sáng kiến hợp tác được đề xuất, hỗ trợ và tổ chức với sự phối hợp của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Việt Nam, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Chương trình Đối tác Australia - Mekong (MAP), Trung tâm Việt Nam – Australia (VAC), Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Đại sứ quán Việt Nam tại Australia nhằm thiết thực hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Khóa đào tạo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và thống nhất của lãnh đạo cấp cao hai nước, mà cụ thể là tại các cuộc tiếp, làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Toàn quyền Australia David Hurley vào tháng 3 năm 2023 và với Thủ tướng Australia Anthony Albanese vào đầu tháng 6 năm 2023. Thành phần Đoàn gồm có 18 đại biểu, trong đó có 13 đại biểu Quốc hội, do Ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT làm Trưởng đoàn và Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT làm Phó Trưởng đoàn. Trước đó, Đoàn đã tham dự Hội thảo trước Khóa đào tạo vào ngày 13 -14/7/2023 tại tỉnh Quảng Ninh.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT phát biểu tại Lễ khai mạc.
Đại sứ Việt Nam tại Australia phát biểu tại Lễ khai mạc.
Đoàn công tác chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự Lễ khai mạc.
Khóa đào tạo được xây dựng khoa học, bao gồm 31 buổi học tổ chức tại hai địa điểm là Thủ đô Canberra và Thành phố Melbourne, trong đó có 11 bài trình bày của các chuyên gia, nhà khoa học; 04 bài trình bày của đại diện cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương; 06 bài trình bày của doanh nghiệp/tổ chức phi chính phủ; khảo sát, nghiên cứu thực tế tại 05 địa điểm về điện tái tạo, thủy điện tích năng, điện than, lưu trữ điện, hoàn nguyên mỏ (02 tại Việt Nam và 03 tại Australia). Các bài thuyết trình do các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu lý luận và thực tiễn, bao quát nhiều chủ đề với nội dung đa dạng, phong phú, liên quan đến xu hướng toàn cầu về chuyển dịch năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và kinh nghiệm của Australia trong quá trình chuyển dịch năng lượng, luật hóa các quy định trong lĩnh vực năng lượng; phát triển điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, quản lý thị trường điện, giá điện, đấu thầu, đấu giá dự án nguồn điện, lưới điện; vai trò của chính quyền trung ương và chính quyền các bang trong đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển và điều tiết thị trường điện; huy động nguồn lực tư nhân và bảo đảm an sinh xã hội trong việc phát triển nguồn điện, lưới điện, chuyển dịch năng lượng.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư Grady Venville, Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Australia.
Nền kinh tế Australia sử dụng nhiều năng lượng và hệ thống năng lượng trước đây chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá. Tuy nhiên so với Việt Nam, Australia có nhiều cơ hội phát triển năng lượng tái tạo với chi phí thấp. Hệ thống điện đang dần chuyển từ điện than sang điện gió và điện mặt trời. Australia đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030; năng lượng tái tạo có thể đóng góp trên 80% điện năng vào năm 2030. Điện khí hóa giao thông và công nghiệp sẽ góp phần tiếp tục giảm phát thải. Một loạt các công cụ chính sách hiện đang được áp dụng tại Australia, đặc biệt là hỗ trợ năng lượng tái tạo và hạ tầng cấp điện, kế hoạch định giá phát thải trong công nghiệp và tài chính cho phát triển năng lượng sạch.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư Frank Jotzo và TS. Đỗ Nam Thắng, Đại học Quốc gia Australia.
Tại các cuộc làm việc, thuyết trình, các đại biểu đã được nghe trao đổi, thảo luận về: (i) Lộ trình hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 ở Australia; (ii) Chính sách năng lượng và khí hậu của Australia; (iii) Chính sách ngành điện lực, tập trung vào các vấn đề nguồn cung năng lượng tái tạo, loại bỏ dần điện than, truyền tải và lưu trữ, định giá các-bon; (iv) Chính sách phát thải trong các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các ngành xuất khẩu; (v) Cơ hội ngành năng lượng sạch mới; (vi) Công cụ tài chính của chính phủ để ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng; (vii) Biến đổi khí hậu và các tổ chức chuyển dịch năng lượng; (viii) Triển vọng chính sách năng lượng và khí hậu của Australia.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT chụp ảnh lưu niệm với Bà Robyn Mudie, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam.
Các chuyên gia, học giả phía Australia đã lựa chọn những vấn đề chuyên sâu để chia sẻ và đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam, cụ thể là các công cụ chính sách năng lượng tái tạo của Australia (bao gồm cơ chế giá FiT, đấu giá ngược, tiêu chuẩn danh mục đầu tư năng lượng tái tạo, thuế các-bon và cơ chế mua bán phát thải); kinh nghiệm của Australia trong việc giảm phát thải các-bon trong ngành điện (giảm phát thải các-bon của thị trường điện quốc gia Australia, vai trò của điện mặt trời, điện gió và lưu trữ năng lượng, tầm quan trọng của cơ chế xác định giá); sáng kiến chuyển dịch năng lượng địa phương của vùng Canberra; thị trường các-bon Australia (nguyên tắc hoạt động, các bên tham gia thị trường, hợp tác công tư, những gợi mở cho Việt Nam); kinh nghiệm của Australia về tài chính xanh; chính sách công nghiệp xanh (nguyên tắc, lồng ghép kiểm kê và chứng nhận phát thải, chính sách công nghiệp xanh và thương mại); vai trò mới của hydro xanh (công nghệ chính, thách thức đối với ngành công nghiệp hydro, chính sách); lập kế hoạch hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo; chính sách điện gió ngoài khơi của Australia, phát triển điện gió ngoài khơi ở khu vực Eo biển Bass ngoài khơi Gippsland, Victoria; quy tắc thị trường điện Australia: khung pháp lý tổng thể, vận hành thị trường điện; sự chấp nhận của xã hội đối với quá trình chuyển dịch năng lượng (công bằng xã hội, hòa nhập xã hội, công bằng năng lượng, sự chấp nhận của xã hội để vận hành, rủi ro xã hội).
Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình khóa đào tạo, Đoàn đại biểu Việt Nam đã có các cuộc gặp và trao đổi với Ngài Tony Zappia, Chủ nhiệm Ủy ban và Ngài David Gillespie, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường trực Hạ viện về Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước; với Ngài Thượng nghị sĩ Tim Ayres, Đồng Bộ trưởng Bộ Thương mại. Tại các cuộc gặp, Đoàn Việt Nam cảm ơn phía Australia đã hỗ trợ tổ chức Khóa đào tạo, coi đây là một sự kiện rất có ý nghĩa góp phần kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Australia và là hoạt động hợp tác có quy mô đầu tiên tiếp nối triển khai ngay sau các chuyến thăm chính thức của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Hai Bên cũng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Australia ngày càng phát triển, hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Nhiều lĩnh vực hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.
Trao đổi với lãnh đạo Ủy ban Thường trực Hạ viện về Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước, Đoàn Việt Nam đã đề nghị phía bạn chia sẻ về: (1) Về vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban Biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và nước của Quốc hội Australia, trong đó có việc giúp Quốc hội và Chính phủ Australia định hình các chính sách, chiến lược về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng, tài nguyên nước và môi trường; (2) Kinh nghiệm của Quốc hội Australia trong việc xây dựng khung khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050; (3) Kinh nghiệm của Quốc hội Australia trong việc ban hành một số đạo luật cụ thể liên quan đến điện lực, năng lượng tái tạo, biến đối khí hậu, tài nguyên nước, điện gió ngoài khơi... (4) Kinh nghiệm về việc vận hành Ủy ban; sử dụng các công cụ, nguồn lực để giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng; (5) Đề xuất thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thiết thực, lâu dài giữa các cơ quan liên quan của Quốc hội Việt Nam với các cơ quan của Quốc hội Australia để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong việc ban hành các đạo luật và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.
Đoàn đại biểu Việt Nam làm việc với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Thường trực Hạ viện về Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước.
Tại cuộc gặp Thượng nghị sĩ Tim Ayres, Đồng Bộ trưởng Bộ Thương mại, Đoàn đại biểu Việt Nam đã bày tỏ vui mừng về sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước (tới cuối năm 2022, Australia là một trong 7 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia). Đồng thời, đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ của Chính phủ Australia trong các năm qua trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông,... đặc biệt là nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngài Thủ tướng Australia Anthony Albanese vào đầu tháng 6 năm 2023, phía Australia đã công bố gói hỗ trợ trị giá 105 triệu đô la Australia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam một cách toàn diện, trong đó tập trung chính vào hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Đoàn cũng đã đề nghị Ngài Bộ trưởng quan tâm hỗ trợ để sớm triển khai gói hỗ trợ nêu trên, trong đó đặt trọng tâm vào chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, năng lực quản trị, chuỗi cung ứng; tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp Australia đầu tư tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, hoạt động kinh doanh, hoặc đang tìm hiểu các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Australia.
Đoàn làm việc và chụp ảnh lưu niệm với Thượng Nghị sĩ Tim Ayres, Đồng Bộ trưởng Thương mại, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.
Đoàn cũng đã có các cuộc trao đổi, thảo luận với Bà Kristin Tilley, Đại sứ Australia về Biến đổi khí hậu; với Ông Simon Duggan, Thứ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước; với Ông Travis Bover, Cục trưởng Cơ quan Kinh tế phát thải dòng về 0, Văn phòng Thủ tướng và Nội các Australia.
Đoàn làm việc với Bà Kristin Tilley, Đại sứ Australia về biến đổi khí hậu.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT chụp ảnh lưu niệm với Ông Simon Duggan, Thứ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu, Môi trưởng, Năng lượng và Nước.
Về các chuyến nghiên cứu thực tế, Đoàn đã đến thăm quan và nghiên cứu tại Nhà máy nhiệt điện BOT Mông Dương 2 (tỉnh Quảng Ninh) và Nhà máy GE Energy (thành phố Hải Phòng). Tại Australia, Đoàn đã thăm Nhà máy điện Tumut 3, Nhà máy thủy điện tích năng Snowy 2.0; tham quan thực tế cơ sở đào tạo tuabin gió tại Đại học Liên bang ở Ballarat và làm việc với Corio Generation (chủ đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi lớn); làm việc với Cơ quan hành chính Latrobe Valley về kế hoạch chuyển đổi năng lượng của địa phuơng và tham quan cơ sở sản xuất pin Hazelwood (trước đây là nhà máy điện than).
Đoàn thăm và làm việc tại Nhà máy thủy điện tích năng Snowy 2.0
Ngoài các hoạt động nêu trên, trước khi lên đường sang Australia, Đoàn đã có buổi gặp gỡ với Ngài Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski để trao đổi những vấn đề liên quan của Khóa đào tạo. Bên cạnh đó, Đoàn đã đến thăm và làm việc với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Australia.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Lễ bế giảng.
Đoàn đại biểu Việt Nam cùng các đối tác Australia đã đánh giá cao việc tổ chức Khóa đào tạo về thành phần tham dự, nội dung trao đổi, thiết kế chương trình, công tác tổ chức và đặc biệt là sự chuyên nghiệp, chuyên sâu, nhiệt tình của các báo cáo viên, giảng viên và sự tích cực trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi của các đại biểu của Đoàn Việt Nam. Những nội dung, thông tin thu hoạch được từ Khóa đào tạo sẽ góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng phù hợp với tình hình cụ thể ở Việt Nam./.