PHIÊN HỌP THỨ 3 CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: LÀM RÕ TỒN TẠI, HẠN CHẾ CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương
Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ của Đoàn công tác số I về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn 5 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, Tây Ninh và Trà Vinh tại Phiên họp thứ 3 của Đoàn giám sát về các CTMTQG, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc của địa phương, trong đó tập trung làm rõ hơn được quy trình, thủ tục, nội dung các bước trong việc Lập và giao Kế hoạch thực hiện giai đoạn 05 năm và hằng năm (cụ thể hơn về thời gian thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp). Bổ sung thêm quy định cho phép HĐND tỉnh phân cấp cho HĐND cấp huyện trong việc điều chỉnh kế hoạch danh mục đầu tư thực hiện CTMTQG giai đoạn và hằng năm. Đồng thời Chính phủ đã giao cho các Cơ quan chủ chương trình thông báo vốn sự nghiệp cả giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương, để địa phương có cơ sở giao vốn cho các dự án thực hiện cho cả giai đoạn (trước đây chưa có).
Một số vướng mắc của địa phương trong triển khai các CTMTQG
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc triển khai các CTMTQG. Đáng lưu ý, hiện nay, một số xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, không có khả năng tự huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, vẫn cần nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để duy trì kết quả đã đạt được.
Trung ương giao kế hoạch hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 muộn, chưa giao kế hoạch hỗ trợ kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2021-2025 nên địa phương gặp khó khăn trong xây dựng kế hoạch cân đối vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, khi triển khai có nhiều nội dung chưa phù hợp với nhu cầu chi của địa phương, có lĩnh vực chi bị thừa kinh phí, có lĩnh vực chi bị thiếu kinh phí nên việc phân bổ nguồn vốn của các lĩnh vực chi trong cùng một dự án hoặc tiểu dự án gặp khó khăn.
Đối với quy định về lập và giao kế hoạch thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 và hằng năm sau khi sửa đổi, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP vẫn quy định UBND tỉnh phải trình HĐND tỉnh danh mục chi tiết công trình, kế hoạch danh mục đầu tư công giai đoạn và hằng năm, trong khi hiện nay tỉnh đã phân cấp cho cấp huyện phê duyệt danh mục và bổ sung có mục tiêu vốn cho cấp huyện; như vậy khi cần điều chỉnh danh mục thì cấp huyện vẫn phải trình HĐND tỉnh đồng ý, trong khi thực tế triển khai công trình ở cấp xã rất hay có sự thay đổi; làm mất thời gian.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 3 của Đoàn giám sát của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cũng nhận thấy, giữa các Chương trình chưa có sự phối hợp, thống nhất dẫn đến có điểm bất hợp lý trong kết quả đạt được. Một số tỉnh thực hiện dự án (Hỗ trợ phát triển sản xuất) vẫn đang thực hiện theo mô hình cũ (cấp bò cái sinh sản, lợn, trồng cây ăn quả…), chưa có mô hình mới. Theo ý kiến của cơ sở, do mô hình này đã thực hiện từ trước, phù hợp với tập quán sản xuất của người dân và thủ tục, hồ sơ không phức tạp nên được các hộ chấp thuận.
Mặc dù các tỉnh đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, giải ngân kế hoạch năm 2023, nhưng Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng vẫn có một số khó khăn rất lớn: (1) Kết quả giải ngân giai đoạn 2021-2023 đạt thấp và khối lượng phải giải ngân rất lớn; (2) nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình giảm mạnh (năm 2023 rất thấp) và có địa phương không huy động được (Hà Giang).
Cần tháo gỡ, giải quyết ngay để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Đoàn công tác số I kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn các nội dung đã quy định trách nhiệm của các Bộ phải hướng dẫn tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP; Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu cho các hoạt động, dự án, tiểu dự án của 03 CTMTQG, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện CTMTQG tại các địa phương.
Đồng thời đôn đốc quyết liệt, phân công trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn cụ thể, kịp thời đối với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương các năm 2022, 2023 đã phân bổ cho Chương trình; rà soát, kiểm tra, đôn đốc phân bổ vốn thực hiện các Chương trình theo đúng Nghị quyết số 517/2022/UBTVQH15 và Quyết định số 653/2022/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ và giao vốn; Ban hành đầy đủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện từng CTMTQG; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện từng CTMTQG.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo, đánh giá công tác lập kế hoạch vốn, phân bổ nguồn vốn, giao vốn ngân sách nhà nước trung ương thực hiện các CTMTQG; khắc phục tình trạng, phân bổ vốn còn chưa phù hợp, cát cứ, thiếu thống nhất dẫn đến lãng phí và ảnh hưởng kết quả thực hiện các CTMTQG. Hiện nay vốn sự nghiệp còn tồn đọng nhiều, rất lãng phí.
Các thành viên Đoàn giám sát
Thay mặt Đoàn công tác số I, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, nghiên cứu tích hợp/hợp nhất các mục tiêu, đối tượng, địa bàn của 3 CTMTQG để giảm bớt số dự án, tiểu dự án và phân bổ ngân sách theo cơ chế phân cấp cho địa phương chủ động bố trí phù hợp và bảo đảm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, xung đột trong giai đoạn còn lại của giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị cho giai đoạn mới 2026-2030 theo hướng hợp nhất các CTMTQG theo địa bàn với mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.
Chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, báo cáo Chính phủ những quy định chưa phù hợp, chưa thống nhất giữa Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của TTCP và các văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ để đề xuất sửa đổi nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện chương trình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ chủ quản 03 CTMTQG hướng dẫn rõ việc lồng ghép nguồn vốn giữa các CTMTQG trên cơ sở quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các CTMTQG, giữa các CTMTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022.
Đề nghị Bộ Tài chính rà soát văn bản của Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã ban hành liên quan dẫn chiếu hướng dẫn thực hiện 03 CTMTQG; sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập đã phát hiện của Đoàn giám sát, qua kiến nghị của các địa phương hoặc qua việc tự rà soát của Bộ, nhất là việc rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung các mục chi, mức chi tại Điều 4 Thông tư số 15 của Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả đối với khó khăn, vướng mắc này của 03 CTMTQG.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt các mô hình thí điểm các địa phương đã đăng ký tham gia của các Chương trình chuyên đề trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới, để các địa phương triển khai thực hiện các mô hình. Đồng thời sớm ban hành quyết định về cơ cấu, tổ chức bộ máy của hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới thống nhất từ Trung ương đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm phát huy hiệu quả, hiệu lực điều phối hoạt động của văn phòng Điều phối nông thôn mới đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm./.