GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG: LÀM RÕ TÁC ĐỘNG CỦA SỰ CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI NGÀNH THAN VÀ DẦU KHÍ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngang tầm quốc tế; có đầy đủ phương tiện đảm bảo hoạt động ngoài khơi và trên bờ… Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Đoàn giám sát vẫn chưa rõ về việc khai thác, sử dụng, những khó khăn, vướng mắc và chính sách cho lực lượng này.
Đại biểu Phan Xuân Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, thành viên Đoàn giám sát
Trong khi đó, đại biểu Phan Xuân Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, thành viên Đoàn giám sát nhận định, để phát triển ngành dầu khí và ngành Than cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Đóng góp vào thành công chung của hai Tập đoàn là đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao của hai đơn vị, nhưng cần có giải pháp, chiến lược cụ thể để tiếp tục phát triển, sử dụng đội ngũ này hiệu quả hơn trong tương lai.
Đại biểu bày tỏ ấn tượng về trình độ của các kỹ sư, nhà khoa học đã chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m, sau đó là giàn khoan tự nâng 120m, từ 12 nghìn tấn tăng lên 18.000 tấn. Trong khi đó, trên thế giới chỉ có 10 quốc gia có thể nghiên cứu, chế tạo giàn khoan tự nâng có độ sâu tương tự, điều này cho thấy trình độ của đội ngũ khoa học của PVN rất cao.
Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ sư của các dự án lọc hóa dầu đã nhanh chóng tiếp nhận, đảm nhận vận hành hầu hết các quy trình (chỉ sau 6 tháng), trong khi các quốc gia khác mất ít nhất một năm. Vì vậy, đại biểu Phan Xuân Dũng và thành viên Đoàn giám sát đề nghị TKV và PVN bổ sung nội dung này để Đoàn giám sát tổng hợp về kết quả sử dụng, đào tạo, phát triển đội ngũ khoa học tiềm năng cho đất nước; Đồng thời có chiến lược phát triển nhân lực công nghệ cao, đặc biệt là nhân tài trong thời gian tới.
Ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam
Giải trình vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu, ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, giai đoạn 2016-2021, TKV đã cử nhiều cán bộ, kỹ sư tham đào tạo các lớp chuyên gia kỹ thuật, sau đại học tại các nước: Nga, Ba Lan, Đức, Trung Quốc, Úc,…; hợp tác với Tập đoàn MIBRAG (Cộng hòa Liên bang Đức) về khảo sát, xây dựng và tài trợ thí điểm 4 khóa học về Quản lý dòng chảy và Môi trường, Quản lý an toàn, Quản lý mỏ, Quản lý dự án; phối hợp với Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản để duy trì có hiệu quả dự án “Nâng cao năng lực ngành than ở các nước sản xuất than” qua đó hàng năm đã cử hàng trăm kỹ sư, công nhân đi tu nghiệp tại Nhật Bản.
Triển khai đồng bộ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn liền với nhu cầu thực tế sản xuất kinh doanh các lĩnh vực của Tập đoàn; đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ; đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; Đề ra các Chương trình phát triển khoa học và công nghệ 5 năm; xây dựng và thực hiện kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm, đầu tư ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất.
TKV đã đẩy mạnh ứng dụng Cơ giới hoá, Tự động hoá, Tin học hoá vào sản xuất; đây là đích đến, là giải pháp chiến lược cho “bài toán” nâng cao sản lượng và là mục tiêu xuyên suốt đảm bảo sự phát triển bền vững Tập đoàn.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thăm dò, khai thác than cũng được TKV chú trọng góp phần nâng cao sản lượng than khai, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn lao động, nâng cao năng suất lao động (tăng 9%/năm), giảm số lao động toàn Tập đoàn góp phần giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Đối với PVN, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, Tập đoàn luôn chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực chuyên môn, công nghệ số, về năng lực quản trị,… để đáp ứng yêu cầu của PVN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Giai đoạn 2016-2021 công tác đào tạo và phát triển nhân lực tiếp tục có chuyển biến tích cực, tổ chức thực hiện theo đúng chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực giai đoạn 2016 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Các chương trình đào tạo bao gồm: đào tạo chuyên sâu tập trung cho 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung và cán bộ nguồn; các chương trình đào tạo bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ...
Thông qua công tác đào tạo, trong những năm qua, Tập đoàn đã xây dựng được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Công tác đào tạo tại các đơn vị thành viên Tập đoàn được thực hiện tốt, đảm bảo số lượng, chất lượng đào tạo và phù hợp với kế hoạch và nhu cầu thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh tại các đơn vị.
Trong 5 năm 2016-2021, Công ty mẹ - Tập đoàn đã tổ chức hơn 10.800 lượt người cử đi học. Trường Cao đẳng nghề Dầu khí đã tổ chức thực hiện đào tạo hơn 3.300 lớp với hơn 40.500 học viên. Trường Đại học Dầu khí đã tổ chức đào tạo hàng năm cho sinh viên 04 khóa theo đúng kế hoạch đào tạo và các quy chế, quy định hiện hành
PVN đã đầu tư nghiên cứu đánh giá tiềm năng triển vọng dầu khí phục vụ cho công tác gia tăng trữ lượng, nghiên cứu chế tạo, nghiên cứu định hướng và đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở tất cả các lĩnh vực hoạt động. Ứng dụng các công nghệ mới của nước ngoài trong thiết kế, vận hành tối ưu hóa và duy trì hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả của các nhà máy Điện, Chế biến dầu khí.
Các quy chế liên quan công tác khoa học và công nghệ luôn được rà soát và cập nhật, đã góp phần thuận lợi để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác về khoa học, công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Ông Hoàng Quốc Vượng khẳng định, PVN xác định tầm quan trọng trong triển khai xây dựng hệ sinh thái số toàn diện nhằm hỗ trợ 2 sứ mệnh, 3 vai trò và 5 lĩnh vực chính; năm 2023, Công ty mẹ - Tập đoàn hoàn thiện đi vào vận hành hệ thống ERP giai đoạn 1 và tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo hướng đến tích hợp trong toàn Tập đoàn.
PVN nhận thức rõ trách nhiệm đi đầu vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số Quốc gia. PVN đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đã tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh và đạt được những lợi ích thiết thực.
Cùng với đó, PVN đã xây dựng tầm nhìn số dựa trên thực tế từ chiến lược phát triển để từ đó xác định trọng tâm, trọng điểm nhằm xây dựng lộ trình, phương hướng hành động cụ thể trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Đến nay, công tác chuyển đổi số đạt được những kết quả bước đầu, hình thành nền tảng đồng bộ của PVN; đã hoàn thành số hóa toàn bộ các văn bản và thường xuyên cập nhật trên các ứng dụng AI và tích hợp hệ thống quản trị nguồn doanh nghiệp.