QUY ĐỊNH CỤ THỂ, RÕ RÀNG CÁC LOẠI THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN CẦN THU THẬP TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ

04/08/2023

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Trước đó, dự án luật này đã được thảo luận, xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể, rõ ràng các loại thông tin của công dân cần thu thập trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để đảm bảo cụ thể, thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Trước đó, dự án luật này đã được thảo luận, xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, theo cách quy định tại khoản 2 Điều 30 trong dự thảo luật, nhóm đối tượng bị tạm giữ thẻ căn cước chỉ là những người đang bị tước hoặc đang bị hạn chế quyền tự do thân thể, tự do đi lại, bao gồm: người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị tạm giữ, bao gồm cả tạm giữ hành chính và tạm giữ hình sự; người đang bị tạm giam; người đang chấp hành án phạt tù.

Đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo đã bỏ sót một số đối tượng không bị tạm giữ thẻ căn cước, mặc dù họ cũng bị hạn chế quyền tự do đi lại, cụ thể là những người bị áp dụng hình phạt quản chế theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc người bị bắt theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc và làm rõ tiêu chí lựa chọn nhóm đối tượng bị tạm giữ thẻ căn cước, đồng thời cho biết lý do vì sao không tạm giữ thẻ căn cước của 2 đối tượng nêu trên.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhận định, khoản 2 Điều 30 trong dự thảo Luật chưa tách bạch giữa đưa vào trường giáo dưỡng và giáo dục tại trường giáo dưỡng, nên chỉ quy định một biện pháp là đưa vào trường giáo dưỡng, không quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, dẫn đến bỏ sót đối tượng này.

Qua nghiên cứu Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự, đại biểu cho rằng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là 2 biện pháp hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và được áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi theo trình tự, thủ tục do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Trong khi đó, giáo dục tại trường giáo dưỡng lại là biện pháp tư pháp hình sự, được quy định trong Bộ luật Hình sự và áp dụng với người từ đủ 14 tuổi theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Để không bỏ sót và bảo đảm bình đẳng giữa người bị đưa vào trường giáo dưỡng với người bị giáo dục tại trường giáo dưỡng, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "giáo dục tại trường giáo dưỡng" vào điểm a khoản 2 Điều 30.

Quan tâm đến vấn đề thu thập, tích hợp thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, dự thảo luật quy định có 24 nhóm thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tuy nhiên ở khoản cuối cùng của điều này có quy định, ngoài những thông tin nêu trên, còn thu thập, tích hợp cả những thông tin khác của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc thêm về các quy định này, vì có nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán, v.v..  Trong dự thảo luật cũng chưa làm rõ "những thông tin khác của công dân" là những thông tin gì.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu

Đại biểu cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bên cạnh mục đích là để phục vụ quản lý nhà nước, còn có một mục đích rất quan trọng, là giúp người dân có thể tiến hành giao dịch, thủ tục hành chính ở bất cứ địa điểm nào mà không bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Tuy nhiên, những thông tin này liên quan trực tiếp đến các thông tin của công dân, trong đó có cả những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân.  Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định cụ thể những thông tin của công dân ngay ở trong luật để đảm bảo rõ ràng, không nên quy định về “các thông tin khác” như trong dự thảo luật.

Về các chủ thể được khai thác thông tin, Điều 11 của dự thảo luật quy định "các chủ thể được khai thác thông tin bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư". Tán thành với quy định của dự thảo về các chủ thể được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu cho rằng các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, tổ chức sẽ có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, cho nên mục đích khai thác cũng như phạm vi khai thác sẽ không giống nhau. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại chỉ quy định về các chủ thể được khai thác thông tin mà lại không quy định về phạm vi thông tin từng chủ thể này được khai thác.

Đại biểu đề nghị trong quá trình chỉnh lý cần rà soát và quy định cụ thể ngay trong luật này về phạm vi thông tin mà từng chủ thể được khai thác theo nguyên tắc phải bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể. Về việc giao cho Chính phủ quy định, đại biểu đề xuất chỉ nên giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục của quá trình thu thập, khai thác thông tin.

Minh Hùng