DIỄN ĐÀN NGƯỜI LAO ĐỘNG 2023: SỬA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI THEO HƯỚNG TĂNG QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

31/07/2023

Tại Diễn đàn Người Lao động năm 2023, nhiều ý kiến đề xuất của công nhân, người lao động về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng tăng quyền lợi của người lao động giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm đồng thời có giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết lộ trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và các luật liên quan đã được đưa vào chương trình nghị sự cụ thể.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: QUỐC HỘI SẴN SÀNG LẮNG NGHE, GHI NHẬN CÁC Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG VÌ MỤC TIÊU VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHỦ TRÌ DIỄN ĐÀN NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2023 – CUỘC TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn Người Lao động năm 2023

Phát triển bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa tầng, hiện đại và tăng quyền lợi cho người lao động

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina, tỉnh Đồng Nai Đinh Sỹ Phúc chia sẻ với kinh nghiệm gần 30 năm công tác và gắn bó với người lao động đất lâu dài cho thấy niềm tin của người lao động là yếu tố cốt lõi để tổ chức công đoàn có thể hoạt động vững mạnh để gây dựng nên những mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Thời gian gần đây, Công đoàn cơ sở và các cấp công đoàn các cấp trên cơ sở đã liên tục tổ chức các cuộc đối thoại với người lao động, lấy ý kiến của người lao động liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung sắp tới. Tuy nhiên, người lao động có rất nhiều tâm tư, băn khoăn khi lần sửa đổi gần đây của bảo hiểm xã hội thì hầu như một số quyền lợi của người lao động có xu thế bị giảm đi. Như: nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động để được hưởng mức tối đa 75% lên 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ, tăng 5 năm so với trước đây; Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định, người lao động bị giảm 2%, trước đây chỉ giảm 1%...Do đó, trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây, người lao động đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của người lao động; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch CĐCS Công ty Taekwang Vina, tỉnh Đồng Nai Đinh Sỹ Phúc

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La Đặng Hồng Thêm đề nghị Quốc hội xem xét sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tăng quyền lợi cho người lao động như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề; nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như chính sách Quốc hội đã từng ban hành trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Công nhân Đặng Hồng Thêm, Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội trong phiên họp tháng 8/2023 tới.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, việc sửa đổi Luật lần này tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, mở theo hướng phát triển bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa tầng, hiện đại và tăng quyền lợi cho người lao động. Với quan điểm đó, dự thảo Luật sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung theo Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Một là, tập trung xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bổ sung thêm tầng về trợ cấp hưu trí xã hội.

Hai là, hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa đảm bảo ổn định an sinh xã hội vì bảo hiểm xã hội là một trong hai trụ cột căn bản nhất của an sinh xã hội, vừa bảo đảm cho người lao động khi thực sự cần thiết có quyền rút bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời có chính sách để khi cần thiết người lao động không cần phải rút bảo hiểm xã hội một lần mà có hỗ trợ khác.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Ba là, tập trung các giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm, với trường hợp của hơn 200.000 lao động bị nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, Bộ đang phối hợp với đơn vị bảo hiểm xử lý, khoanh lại để tập trung giải quyết chính sách cho người lao động

Với nội dung về bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cần phải xác định bảo hiểm thất nghiệp phải là “bà đỡ” cho thị trường lao động. Do đó cần sửa đổi đồng bộ với Luật Việc làm.

Làm rõ thêm nội dung về bảo hiểm thất nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hỗ trợ cho trợ cấp thất nghiệp mà điều quan trọng là để cho người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Do đó, bên cạnh hỗ trợ về tiền, các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung những quy định có liên quan đến việc đào tạo nghề, rồi để tạo những điều kiện để người lao động sớm có thể quay lại thị trường lao động để đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu.

Ứng dụng công nghệ tăng khả năng nhận diện doanh nghiệp có khả năng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Công nhân Lương Thị Tho, Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải Đình Vũ, TP.Hải Phòng bày lo lắng, bức xúc của công nhân, người lao động trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Do đó, đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần có các quy định định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng. Pháp luật cần có cơ chế phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; có cơ chế tín dụng ưu đãi hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để người lao động không phải chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.

 Công nhân Lương Thị Tho, Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải Đình Vũ, TP Hải Phòng

Đối với việc Công đoàn khởi kiện bảo hiểm xã hội, đến nay vẫn bế tắc, mặc dù Công đoàn hết sức cố gắng, nhưng do mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Đề nghị Quốc hội sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn.

Có cùng vấn đề quan tâm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty may Minh Anh, tỉnh Nghệ An Lê Thị Hà bày tỏ bức xúc trước tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp khiến cho hàng trăm nghìn người lao động lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Qua chia sẻ của đồng nghiệp ở nhiều doanh nghiệp cả nước khi phải chứng kiến cảnh rất nhiều nữ công nhân sinh nở không được hưởng tiền thai sản, có bạn công nhân con đã 8 tuổi mẹ vẫn không được hưởng chế độ gì; nhiều người lao động thất nghiệp lâm vào cảnh ốm đau, chết mà không có được trợ cấp thất nghiệp; có người nghỉ hưu 7-8 năm mà vẫn chưa được cầm sổ hưu…Đó cũng là lý do mà nhiều người mất niềm tin, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để còn lo cho cuộc sống trước mắt. Nếu cứ để như thế này là nợ và có lỗi với người lao động, do đó, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty may Minh Anh, tỉnh Nghệ An Lê Thị Hà mong Quốc hội và các cơ quan sớm giải quyết vấn đề này.

Chủ tịch CĐCS Công ty May Minh Anh, tỉnh Nghệ An Lê Thị Hà

Thông tin thêm về nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, nếu như năm 2016, tỷ lệ nợ chậm đóng chiếm đến 6% tổng thu, đến 2022 tỷ lệ này giảm xuống còn 2,91%. Điều này thể hiện sự quyết liệt của các ngành, các cấp, sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động và các cơ quan của công đoàn.

Chia sẻ với người lao động và bày tỏ trăn trở trước tình trạng nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết đã đưa ra các giải pháp cụ thể như thường xuyên bám sát nắm chắc tình hình của doanh nghiệp. Trên cơ sở dữ liệu sẵn có của ngành bảo hiệm xã hội Việt Nam, phân tích rủi ro, nhận diện doanh nghiệp có khả năng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng ứng dụng VssID-bảo hiểm xã hội số. Đến nay, trong ứng dụng này đã thông báo tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên của tất cả doanh nghiệp, người lao động có thể theo dõi. Trên cơ sở đó, cùng với tổ chức công đoàn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách và thu hồi nợ bảo hiểm xã hội của 63 tỉnh/thành, cơ bản là Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thu hồi nợ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tính riêng năm 2022, cơ quan bảo hiểm đã thanh tra, kiểm tra 36.000 cuộc, thu hồi được 3.200 tỉ đồng cho người lao động; tỉ lệ thu hồi trước và sau thanh tra là 93%.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sử dụng các biện pháp như công khai nợ, chuyển hồ sơ và phối hợp với cơ quan công an để xem xét khởi tố theo quy định.

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, điều căn cơ là sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần đưa vào các biện pháp mạnh để doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh như cưỡng chế hoá đơn, cấm xuất cảnh…

Liên quan đến công tác bảo hiểm thất nghiệp, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, từ 2019-2015, tỉ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 3% trong đó mức đóng của người lao động, doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước đều lần lượt là 1%.

Qua quá trình triển khai thực hiện ngành bảo hiểm thấy rằng điều kiện để chi bảo hiểm thất nghiệp còn khắt khe. Tới đây, khi sửa đổi luật, cần “nới” điều kiện và quyền lợi khác để đảm bảo chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đợt dịch COVID-19, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi 41 nghìn tỉ đồng trong đó có trên 32 nghìn tỉ đồng cho hơn 14 triệu người lao động trong điều kiện hết sức khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Diễn đàn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các ý kiến tại Diễn đàn là xác đáng, do đó đề nghị các cơ quan lưu ý để khắc phục bảo hiểm chi trả rút một lần, cùng với đó là thể chế nội dung của Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách bảo hiểm xã hội về thời hạn đóng hưởng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo lộ trình giảm dần. Đây là một trong những điều kiện cơ bản nhất để khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với Luật Bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết theo chương trình Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) này và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024); cùng với đó là sửa đồng bộ Luật Việc làm và liên quan đến Luật Bảo hiểm thất nghiệp dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Tất cả các dự án luật này đã có chương trình nghị sự của Quốc hội cụ thể.

Bảo Yến

Các bài viết khác