SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: CẦN ĐỊNH RÕ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT

31/07/2023

Tham gia ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định chi tiết nội dung, phương pháp xác định giá đất, điều kiện áp dụng phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai một cách rõ ràng, cụ thể để dễ thực hiện.

QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Tham gia phát biểu ý kiến vấn đề thu hồi đất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hiền chỉ rõ, theo quy định tại Điều 79 dự thảo quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tại điểm b khoản 1 Điều 126 dự thảo quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, quy định đối với dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 hecta trở lên tại khu vực nông thôn, từ 5 hecta trở lên tại khu vực đô thị thì thuộc trường hợp phải đấu thầu để thực hiện dự án có sử dụng đất và nhà nước phải thực hiện việc thu hồi đất.

Theo quy định trên thì những dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 hecta đối với khu vực nông thôn và dưới 5 hecta đối với khu vực đô thị sẽ không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất mà phải thỏa thuận để nhận quyền sử dụng đất, phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Đại biểu Trần Thị Hiền phát biểu tại hội trường

Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh giảm quy mô diện tích dự án nhà ở thương mại tại điểm b khoản 1 Điều 126 xuống 5 hecta đối với khu vực nông thôn, 3 hecta đối với khu vực đô thị. Vì ở những tỉnh không phải là các tỉnh thuộc trung tâm của vùng kinh tế, các tỉnh miền núi thì như quy mô hiện nay theo dự thảo là rất khó khăn trong việc thỏa thuận để nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án.

Đồng thời, nghiên cứu quy định đối với dự án nhà ở thương mại mà có 100% diện tích đất nông nghiệp bao gồm cả diện tích giao thông, thủy lợi, nội đồng mà dưới mức quy định về quy mô, diện tích thì Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án và nhà đầu tư không phải thỏa thuận dự án mà nhà đầu tư có quyền sử dụng đất không phân biệt, phải có đất ở hoặc các loại đất khác để thực hiện dự án thì được phép chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở thương mại.

Ngoài ra, về giá đất, đại biểu cũng cho biết, tại điểm a khoản 1 Điều 158 dự thảo luật quy định phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Khái niệm nguyên tắc thị trường rất trừu tượng, khó xác định vì nó phụ thuộc vào thời điểm và yếu tố cá nhân chủ quan của người mua. Hiện nay, quy định của các phương pháp xác định giá đất chưa rõ ràng, không cụ thể trong cách tính, do vậy sẽ nảy sinh tình trạng cùng một khu đất nhưng nếu xác định theo các phương pháp khác nhau sẽ cho kết quả rất khác biệt nhau.

Thời gian qua, ở một số địa phương, nhiều cán bộ ngành tài nguyên và môi trường đã vi phạm pháp luật trong việc xác định giá đất. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân từ quy định của các phương pháp định giá đất chưa rõ ràng, làm cho cách hiểu khác nhau. Vì vậy, đề nghị cần quy định chi tiết nội dung, phương pháp xác định giá đất, điều kiện áp dụng phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai một cách rõ ràng, cụ thể để dễ thực hiện. Đồng thời, cụ thể hóa cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Quan tâm tới nội dung về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết tại khoản 7 Điều 73 dự thảo luật quy định cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp nào thì có thẩm quyền quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp đó. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện sẽ có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 66 dự thảo luật thì thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất. Như vậy, đơn vị hành chính đô thị ngang cấp huyện đã có quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất. Đây là quy định hợp lý nhằm loại bỏ những chồng chéo về nội dung quản lý nhà nước, thủ tục hành chính.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam tham gia thảo luận

Đối với thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại 1 đã có quy hoạch đô thị được duyệt thì nội dung này lại do Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị hiện hành. Vì vậy, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về thẩm quyền, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đối với đơn vị hành chính cấp huyện và phù hợp với thực tiễn đang thí điểm phân cấp ở một số tỉnh như hiện nay.

Đại biểu đề nghị bổ sung ngay trong dự thảo Luật Đất đai lần này tại Mục 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đất đai. Chương VI quy định chuyển tiếp điều khoản thi hành một điều luật mới sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị theo hướng bổ sung khoản 3 Điều 51 Luật Quy hoạch đô thị nội dung phân quyền đối với việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị loại 1, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về thẩm quyền, điều kiện, mục đích sử dụng đất, đại biểu nhất trí với quy định về thẩm quyền, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất tại các Điều 122 và 123 dự thảo luật. So với Luật Đất đai hiện hành, dự thảo luật đã thể hiện việc phân quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua chủ trương chuyển đổi đất lúa, đất rừng. Việc phân quyền như trên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn vì thực tế nội dung quy hoạch sử dụng đất đã xác định rõ chỉ tiêu đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 122 dự thảo luật quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.

Theo đại biểu, để đảm bảo quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, cần phải quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật các tiêu chí, điều kiện theo hướng việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải có phương án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế, việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa, có dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, dự án đầu tư có trong danh mục sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được phê duyệt, có đánh giá về tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Minh Hùng

Các bài viết khác