BẢO ĐẢM GIỚI HẠN QUYỀN VÈ NGHĨA VỤ KHI TỔ CHỨC TÍN DỤNG THỰC HIỆN VIỆC THU GIỮ

31/07/2023

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo luật sẽ khắc phục những tồn tại, bổ sung quy định về nội hàm của quy định thu giữ để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo giới hạn quyền và nghĩa vụ khi TCTD thực hiện việc thu giữ.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận bảo đảm tại Nghị quyết 42 là chính sách được phát huy một cách hiệu quả và rõ rệt, góp phần xử lý nợ xấu thông qua việc xử lý TSBĐ được nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các quy định về thu giữ gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, gây khó khăn cho các TCTD, các cơ quan, tổ chức có liên quan khi thực hiện việc thu giữ TSBĐ.

Cụ thể, trong quá triển khai Nghị quyết 42 về thu giữ, có nhiều ý kiến cho rằng chưa có quy định về nội hàm của quy định thu giữ để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo giới hạn quyền và nghĩa vụ khi TCTD thực hiện việc thu giữ.

Toàn cảnh phiên họp

Về điều kiện thu giữ: “Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật”. Theo quy định của Bộ luật dân sự và Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chỉ khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng thì bên nhận bảo đảm mới được thực hiện quyền truy đòi và có quyền ưu tiên thanh toán (Điều 297 và Điều 298 Bộ luật dân sự, Điều 23 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP). Do đó, để đảm bảo thống nhất về nguyên tắc này, bên cạnh các điều kiện để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, cần chỉnh lý quy định này theo hướng “Biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.

Về trách nhiệm của UBND cấp xã, quy định hiện hành quy định TCTD có trách nhiệm “Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm”. Theo phản ánh của các TCTD, trên thực thế nhiều trường hợp UBND xã từ chối ký xác nhận việc TCTD đã thực hiện niêm yết với lý do không có quy định về việc này. Do đó, không có cơ quan nào xác nhận việc TCTD đã thực hiện việc niêm yết theo quy định.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Đối với phương thức thông báo việc thu giữ: Quy định hiện hành quy định TCTD có trách nhiệm: “Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản trước thời điểm thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng cách gửi theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm”.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định địa chỉ của bên bảo đảm để gửi theo đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm rất khó khăn vì nhiều trường hợp bên bảo đảm không còn ở nơi cư trú. Đây là một trong những điều kiện để TCTD thực hiện việc thu giữ, do đó, việc không thông báo được đến bên bảo đảm sẽ dẫn đến TCTD không thực hiện việc thu giữ TSBĐ, ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu của các TCTD.  Đồng thời, quy định của Nghị quyết chưa bao quát được phương thức thông báo (ví dụ: trực tiếp thông báo, qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu) hoặc trường hợp bên bảo đảm thay đổi địa chỉ mà không thông báo cho bên nhận bảo đảm biết.

Bên cạnh đó, quy định về phương thức thông báo việc thu giữ tại Nghị quyết số 42 chưa đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định tại Điều 300, Điều 301 của Bộ luật dân sự và khoản 3 Điều 51 của Nghị định số 21/2021/NĐ-CP như việc thu giữ cần được thông báo tới các bên cùng nhận bảo đảm trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, tới người giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp tài sản đang được giữ bởi người khác. Đối với cơ quan liên quan bên cạnh việc thông báo đến ủy ban nhân dân, công an thì cũng cần phải thông báo đến cơ quan có thẩm quyền quản lý, đăng ký tài sản (nếu có), ví dụ: cơ quan lưu ký chứng khoán trong trường hợp tài sản bảo đảm là chứng khoán đã đăng ký tập trung.

Về việc ghi nhận việc thu giữ TSBĐ, hiện nay, Nghị quyết số 42 chỉ quy định “đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm”. Tuy nhiên, việc chỉ quy định UBND ký biên bản thu giữ sẽ dẫn đến quá tải cho UBND, đồng thời, hạn chế quyền của TCTD trong việc tạo lập văn bản ghi nhận sự kiện pháp lý.

Đối với việc mua, bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, việc quy định về việc mua, bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đã được áp dụng một cách hiệu quả trên thực tế. Quy định này đảm bảo việc đăng ký đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của bên mua nợ xấu, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Do đó, việc luật hóa quy định này trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị quyết số 42 là cần thiết để phát huy hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu của các TCTD.

Minh Hùng

Các bài viết khác