CẦN THIẾT QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỂ QUẢN TRỊ TÀI NGUYÊN NƯỚC QUỐC GIA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SỐ

28/07/2023

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến. Đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, với mục tiêu hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số, việc xem xét, bổ sung quy định riêng về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước là rất cần thiết.

SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC ĐỂ KỊP THỜI KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM DO NƯỚC THẢI SINH HOẠT, CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến. Đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, để có được những quy định khả thi, bắt kịp nhịp độ phát triển, tương thích với pháp luật quốc tế, cần tích cực tham khảo quy định, cơ chế, chính sách của các nước tiên tiến trong lĩnh vực này.

Về hiện trạng, quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước tại một số quốc gia tiêu biểu, tại Úc, thông tin về khai thác, sử dụng nước là nền tảng của an ninh nguồn nước. Việc hiểu rõ lượng nước đang được sử dụng và được phép sử dụng cũng như cách thức tương tác của các cơ quan chính phủ khác nhau, là điều quan trọng để hiểu rằng liệu việc sử dụng quá mức hoặc phân bổ quá mức tài nguyên có thể làm tổn hại đến an ninh nguồn nước hay không và cần phải có luật để khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Các quyết định về Quy hoạch và giấy phép sử dụng nước duy trì hoặc nâng cao độ tin cậy cho đối tượng sử dụng nước tiêu thụ và không tiêu thụ bằng cách tránh phân bổ quá mức và ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước bằng cách yêu cầu giảm sử dụng và lập kế hoạch bảo vệ hoạt động sử dụng nước không tiêu thụ. Do đó, tại quốc gia này, các quy định đối với thông tin về khai thác, sử dụng nước cần tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tin tưởng của công chúng vào việc quản lý luật nước.

Luật của quốc gia và các bang của Úc đều cung cấp thông tin về tài nguyên nước để xây dựng và đảm bảo các Quy hoạch cấp nước và quyết định cấp phép dựa trên những thông tin sẵn có. Các quy định của pháp luật về thông tin tài nguyên nước bao gồm: Chứng nhận đăng ký công khai về quyền cấp nước của từng cá nhân; Yêu cầu quan trắc sử dụng nước; Tài khoản khai thác, sử dụng nước công khai về việc sử dụng nước; Yêu cầu chia sẻ thông tin về tài nguyên nước và thực hiện tham vấn giữa các cơ quan chính phủ; Quy hoạch có tính khoa học về cách sử dụng dòng chảy môi trường; và các yêu cầu về trách nhiệm giải trình, báo cáo về cách sử dụng dòng chảy môi trường và liệu các mục tiêu có được đáp ứng hay không.

Tại Hàn Quốc, hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia Hàn Quốc áp dụng công nghệ vệ tinh tiên tiến kết hợp với trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại. Hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia do Chính phủ quản lý, cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước, giữa các quốc gia cùng là thành viên của các Điều ước, cam kết quốc tế. Hệ thống quản lý đa dạng các đối tượng: hồ điều tiết, đập, mực nước, xả nước, các khu đô thị, công trình trên sông, thiên tai, môi trường hệ sinh thái,... Sử dụng công nghệ vệ tinh, hệ thống này có khả năng dự báo các thảm họa về nước, chất lượng nước và hỗ trợ vận hành các đô thị lớn.

Toàn cảnh phiên họp

Phòng điều hành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước sử dụng công nghệ vệ tinh đặt tại trụ sở K-Water (Tổng công ty tài nguyên nước, trực thuộc Bộ Môi trường). Tất cả các thông tin, dữ liệu đều được tự động hóa, thu thập theo thời gian thực và truyền dữ liệu về phòng điều hành; giám sát viên có thể quan sát, phân tích số liệu từ xa. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực con người trong việc đi đo đạc, thu thập số liệu ở những trạm đo đạc đặt trên địa hình hiểm trở, xa xôi. Hệ thống cho phép dự báo lượng mưa, xây dựng bản đồ lũ, bản đồ hạn hán, bản đồ mặt cắt địa chất, vv nhằm phục vụ việc điều tiết lũ, phòng chánh thảm họa thiên tai và xây dựng các quy hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (Báo cáo Quản trị nước, 2019) lưu ý rằng việc xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ cơ sở dữ liệu về nước là một thách thức lớn đối với quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở Việt Nam. Hầu như tất cả các quy hoạch về tài nguyên nước lẫn quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước đều gặp khó khăn do thiếu thông tin, dữ liệu đáng tin cậy và vẫn có sự “miễn cưỡng rộng rãi” giữa các cơ quan nhà nước trong việc chia sẻ dữ liệu họ có.

Luật Tài nguyên nước 2012 không có điều khoản riêng quy định tập trung, rõ ràng, cụ thể về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, ngoại trừ một số quy định  có liên quan như Lưu trữ, sử dụng thông tin về tài nguyên nước (Điều 8); Quan trắc, giám sát tài nguyên nước (Điều 28); Trách nhiệm của Bộ TNMT và UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tài nguyên nước, quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước (Điều 70, 71).

Thực tế hiện nay Bộ TNMT và UBND tỉnh không phải là cơ quan nhà nước duy nhất thu thập dữ liệu liên quan đến tài nguyên nước; các bộ, ngành có liên quan cũng thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát liên quan đến nguồn nước theo chức năng, nhiệm vụ của mình và các tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng tạo lập nên các bộ số liệu quan trắc, giám sát của mình. Tuy nhiên, với các điều khoản quy định hiện hành, Luật Tài nguyên nước 2012 chưa hướng đến việc quy định một hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, có sự kết nối giữa các cấp Trung ương và địa phương; không cung cấp một cơ chế rõ ràng để yêu cầu các bộ, ngành khác thu thập dữ liệu và nhanh chóng truyền dữ liệu đó cho Bộ TNMT; chưa quy định cơ chế pháp lý rõ ràng cho việc khai thác, sử dụng cũng như cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu từ các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên nước nói riêng đang hướng đến xây dựng, phát triển Chính phủ số, Chính phủ điện tử. Với mục tiêu hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số, việc xem xét, bổ sung quy định riêng về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước là rất cần thiết.

Minh Hùng