PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: QUY ĐỊNH 114 VÀ SỰ QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CÔNG BẰNG, TRUNG THỰC CỦA ĐẢNG TA

24/07/2023

Bộ Chính trị vừa ký ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, sự ra đời của Quy định này thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc hình thành và xây dựng văn hóa chính trị công bằng, trung thực, giúp tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: HIỆN THỰC HÓA CÁC MỤC TIÊU VĂN HÓA THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA TỪNG DÂN TỘC

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký (11/7/2023), thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền

Quy định gồm 5 Chương, 16 điều; trong đó quy định những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; xử lý vi phạm… Về phạm vi điều chỉnh, Quy định 114-QĐ/TW quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ.

Quy định 114-QĐ/TW nêu rõ các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, gồm: Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình; Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ; Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định; Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ…

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, sự ra đời của Quy định 114-QĐ/TW này thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc hình thành và xây dựng văn hóa chính trị công bằng, trung thực, giúp tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước

Đặc biệt, không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Quy định 114-QĐ/TW nêu rõ hành vi chạy chức, chạy quyền như: Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác…

Đồng thời quy định trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu, cán bộ tham mưu, nhân sự… Quy định 114-QĐ/TW cũng nêu rõ các biện pháp xử lý của cấp có thẩm quyền khi có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm sẽ chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định.

Phóng viên: Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã thay mặt Bộ Chính trị ký quy định 114 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này thay thế quy định 205/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Ông có suy nghĩ gì về sự ra đời của Quy định mới này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Trong văn hóa Việt Nam, mối quan hệ gia đình, họ hàng, đồng hương có ý nghĩa rất lớn trong đời sống con người, mang giá trị tích cực trong việc tạo nên tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên, rồi từ đó mở rộng hơn đến tình cảm dành cho quê hương, đất nước.  Ông cha ta đã từng nói: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”... như một cách thể hiện sự gắn bó của những người gần gũi.

Nhưng không phải không có những hệ lụy trong những mối quan hệ này cần chấn chỉnh trong đời sống hiện đại, khi những mối quan hệ như con ông, cháu cha, họ hàng, đồng hương đang làm méo mó những quan hệ xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào sự bình đẳng, minh bạch trong công tác cán bộ và các hoạt động khác trong hoạt động chính trị - xã hội.

Hậu duệ với nghĩa gốc tốt đẹp dành để nói về con cháu, thế hệ sau của một người nào đó.  Nhưng “hậu duệ” hay vấn đề “9C”-“con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu” trong công tác cán bộ được hiểu theo nghĩa tiêu cực vốn là sản phẩm tàn dư của một xã hội đã trải qua hàng nghìn năm phong kiến. “Con quan rồi lại làm quan” như vậy chính là biểu hiện của tư duy lạc hậu, bất công, trái ngược hoàn toàn với đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng. Tuy nhiên, dù đã có nhiều quy định, chế tài nhưng trong thời gian vừa qua tình trạng này vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương, dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận.

Chính vì thế, việc Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ là một  quyết định rất quan trọng,  hợp với lòng dân. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người nhà cùng làm người đứng đầu hoặc cấp phó cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Bộ Chính trị cũng quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Phóng viên: Tình trạng “nhất hậu duệ” hay hay hiện tượng “đi tìm người nhà chứ không cần người tài” trong hoạt động chính trị có thể gây ra các hệ lụy tiêu cực nào, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Rõ ràng, tình trạng  “nhất hậu duệ” hay hay hiện tượng “đi tìm người nhà chứ không cần người tài” trong hoạt động chính trị có thể gây ra các hệ lụy tiêu cực.  

Thứ nhất đó là tình trạng thực hiện quyền lực dựa trên mối quan hệ gia đình: khi một người đạt được vị trí quyền lực trong chính trị dựa vào quan hệ gia đình, thường dẫn đến việc các quyết định không được đưa ra dựa trên năng lực, ý chí và đạo đức, mà thay vào đó là lợi ích của gia đình. Điều này dẫn đến sự bất công và thiếu minh bạch trong hoạt động chính trị.

Thứ hai là không tạo được môi trường cạnh tranh công bằng, khi có mối quan hệ gia đình ảnh hưởng vào hoạt động của bộ máy tổ chức thì việc tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và đảm bảo quyền công dân tham gia vào chính trị bị hạn chế. Các cơ hội công việc thường chỉ dành cho những người có quan hệ gia đình đặc biệt.

Thứ ba là khiến tình trạng tham nhũng thêm trầm trọng. Việc quyền lực và tài sản tập trung vào mối quan hệ thành viên trong gia đình dễ dẫn đến tình trạng tham nhũng. Các quyết định và ưu đãi thường được trao cho thành viên gia đình mà không cần xét đến ý chí và khả năng của cá nhân, dẫn đến sự lạm dụng và lợi dụng quyền lực.

Thứ tư là tạo ra mối quan hệ gia đình không lành mạnh. Trong tình trạng "nhất hậu duệ", việc quyền lực chính trị và tài sản được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo quan hệ gia đình sẽ tạo ra một môi trường khó khăn cho người ngoài gia đình tham gia vào hoạt động chính trị và gây ra đấu tranh quyền lợi và gây mất đoàn kết.

Thứ năm là thiếu đổi mới và sáng tạo. Việc gia đình kiểm soát quyền lực trong chính trị dễ dẫn đến sự thiếu đổi mới và sáng tạo khi các ý kiến và quan điểm mới thường bị kìm hãm và phụ thuộc vào quan hệ gia đình, khiến cho việc ra quyết định chậm trễ và không đáp ứng được những thay đổi và nhu cầu của xã hội.

Phóng viên: Nhìn từ thực tế vừa nêu, theo ông việc Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, Quy định 114-QĐ/TW về việc không bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo ở 13 ngành trong Bộ Chính trị có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng chống tham nhũng và tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch và tin cậy. Quy định này thể hiện sự quyết tâm và quyết liệt của Đảng trong việc xây dựng hệ thống chính trị trung thực và chính trực, đồng thời tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Việc áp dụng quy định này sẽ giúp ngăn chặn hiện tượng tham nhũng bằng cách loại bỏ những nguy cơ tiềm tàng xảy ra trong việc bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo. Việc có người nhà cùng làm lãnh đạo có thể dẫn đến việc lợi dụng quyền lực cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần công bằng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, Quy định này cũng nhằm tránh hiện tượng "một người làm quan, cả họ được nhờ", tâm lý ỉ lại vào dòng họ, đồng hương trong hoạt động chính trị. Việc chỉ bổ nhiệm người có đủ năng lực và trình độ để điều hành các cơ quan quản lý ở các ngành nhất định giúp đảm bảo rằng quyền lực được phân phối một cách công bằng và đúng đắn dựa trên năng lực và hiệu suất, chứ không phụ thuộc vào quan hệ gia đình.

Tôi cho rằng, việc ban hành quy định này cũng góp phần tăng cường tính minh bạch trong công tác lãnh đạo. Quy định 114-QĐ/TW đảm bảo rằng các vị trí lãnh đạo được bổ nhiệm dựa trên tiêu chí chuyên môn và năng lực, hạn chế những yếu tố cá nhân hay gia đình ảnh hưởng đến quyết định. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, khách quan và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Như vậy, quy định 114-QĐ/TW về không bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo ở 13 ngành trong Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch và đáng tin cậy của công tác lãnh đạo. Việc áp dụng quy định này mang lại sự công bằng trong việc phân phối quyền lực và đảm bảo sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, từ đó xây dựng một văn hóa chính trị công tâm, công bằng, liêm chính, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước ta phồn vinh và hạnh phúc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương