QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)
Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, về vấn đề nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD, Luật các TCTD đã được ban hành và thực thi được hơn 12 năm. Mặc dù năm 2017, Luật các TCTD đã được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu các TCTD yếu kém, chưa phải là việc sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về tổ chức, quản trị, điều hành doanh nghiệp cũng có sự thay đổi.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Theo đại diện cơ quan soạn thảo, điều này dẫn tới một số quy định tại Luật các TCTD đã không còn phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và xu thế phát triển của kinh tế. Cụ thể, Luật các TCTD chưa có quy định đối với điều kiện về tình hình tuân thủ pháp luật và tình hình hoạt động của chi nhánh NHNNg đang hoạt động tại Việt nam khi đề nghị thành lập chi nhánh thứ 2 trở lên. Về thành viên HĐQT độc lập của TCTD là công ty cổ phần (Điều 62): Trong một số trường hợp TCTD gặp phải khó khăn nhất định khi lựa chọn nhân sự thành viên HĐQT độc lập do thiếu người đáp ứng được điều kiện tiêu chuẩn tại Điều 50 Luật các TCTD.
Về tổ chức, quản trị của Quỹ tín dụng nhân dân, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật các TCTD, trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật các TCTD và các luật khác có liên quan thì hoạt động của QTDND áp dụng theo quy định của Luật các TCTD. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật các TCTD, có một số trường hợp áp dụng Luật Hợp tác xã 2012 để điều chỉnh hoạt động của QTDND do Luật Hợp tác xã 2012 quy định rộng hơn so với Luật các TCTD, gây khó khăn trong việc tổ chức hoạt động của các QTDND, ví dụ: Quy định về các vấn đề được Hội đồng thành viên thảo luận và quyết định tại Luật Hợp tác xã 2012 rộng hơn so với quy định tại Luật các TCTD.
Bên cạnh đó, các quy định về QTDND tại Luật các TCTD cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như: Một số nội dung về quyền của Đại hội thành viên - cơ quan có quyền quyết định cao nhất của QTDND chưa được quy định cụ thể tại Luật các TCTD dẫn đến việc hạn chế quyền của Đại hội thành viên cũng như gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý các vấn đề có liên quan đến quyền của Đại hội thành viên; Trình độ nhân sự giữ các chức danh quản trị, điều hành QTDND còn hạn chế; tổ chức tín dụng là hợp tác xã bao gồm các QTDND và Ngân hàng Hợp tác xã, trong đó Ngân hàng Hợp tác xã là tổ chức giữ vai trò đầu mối hệ thống. Tuy nhiên, vai trò đầu mối hệ thống của NHHTX còn bị hạn chế, mới chỉ dừng lại mức độ thực hiện vai trò hỗ trợ về tài chính đối với các QTDND thành viên.
Về Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, điểm a Khoản 1 Điều 139 Luật Các TCTD quy định TCTD phải trích từ lợi nhuận sau thuế để lập và duy trì Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ theo tỷ lệ 5% lợi nhuận sau thuế; quỹ này được dùng để bổ sung vốn điều lệ của TCTD. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của các TCTD (tổng tài sản lớn, ROA thấp so với các doanh nghiệp khác: ROA của nhóm các NHTMNN giai đoạn 2019-2021 chỉ giao động trong khoảng từ 0,5%-1,6%), việc quy định “trần” trích Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ theo 5% lợi nhuận sau thuế là tương đối thấp và không có ý nghĩa nhiều trong việc tạo nguồn bổ sung vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng tốc độ tăng trưởng tín dụng của TCTD (bình quân tăng trưởng của ngành là 14%/năm). Vì vậy, việc Luật Các TCTD quy định “trần” trích Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ như hiện nay là một hạn chế trong trường hợp các TCTD (trong đó có các TCTD có vốn nhà nước) có nhu cầu tăng mức trích Quỹ Dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Về tăng cường các biện pháp quản lý, hạn chế sở hữu chéo, ngăn ngừa hành vi thao túng hoạt động của TCTD của cổ đông lớn và người có liên quan, thực tiễn thời gian qua cho thấy hiện tượng các cổ đông lớn, và người có liên quan của TCTD có những hành vi chi phối hoạt động quản trị điều hành, dẫn đến rủi ro trong hoạt động của TCTD. Điều này đặt ra yêu cầu phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế tình trạng sở hữu chéo, công ty sân sau, nâng cao quản trị ngân hàng, loại bỏ vấn đề xung đột lợi ích.
Để minh bạch hoá hoạt động ngân hàng, Luật TCTD được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Chủ tịch HĐQT, HĐTVHHH của một ngân hàng sẽ không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. Chính sách này đã tạo hiệu quả nhất định trong việc hạn chế sở hữu chéo, hạn chế xung đột lợi ích trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có tình trạng “lách” quy định chỉ thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, HĐTV nhưng vẫn tiếp tục làm Phó chủ tịch hoặc thành viên HĐQT.
Việc cùng đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại tổ chức tín dụng và doanh nghiệp khác có thể tác động hoặc hỗ trợ việc quyết định cấp tín dụng đối với doanh nghiệp mà họ đồng thời là người quản lý, điều hành. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, có thể dẫn đến việc ưu tiên cấp tín dụng cho các doanh nghiệp “sân sau”. Ngoài ra, việc đồng thời cùng đảm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ quản lý, điều hành tại tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng quản lý điều hành tại tổ chức tín dụng. Do đó cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ.