DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): QUẢN LÝ THEO PHƯƠNG PHÁP "MỀM" ĐỂ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN

14/07/2023

Tại phiên họp mở rộng do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, với xu hướng công nghệ thông tin và viễn thông hội tụ hiện nay, việc đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu (IDC), điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) là hoàn toàn phù hợp. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất chính sách quản lý mềm (light-touch regulation) đối với 3 dịch vụ này để khuyến khích phát triển.

SỬA ĐỔI LUẬT VIỄN THÔNG: CẦN QUY ĐỊNH RÕ VỀ TRUNG TÂM DỮ LIỆU, ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY VÀ OTT

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với dịch vụ Trung tâm dữ liệu; Điện toán đám mây và Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông).

Điều chỉnh trong luật để có cơ sở pháp lý thống nhất

Trong ba dịch vụ này, ngoại trừ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông khá rõ, thì dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau khi đưa vào điều chỉnh tại dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham) Nguyễn Việt Hà nêu rõ, dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vốn thuộc nhóm dịch vụ lưu trữ thông tin số và cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số được điều chỉnh tại Luật Công nghệ thông tin hiện hành.

Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham) Nguyễn Việt Hà góp ý với dự thảo Luật

Đại diện Amcham cho rằng, hai dịch vụ này được điều chỉnh tại Luật Công nghệ thông tin không chỉ phù hợp về mặt đặc thù, quan trọng là sẽ đúng với bảng phân loại về ngành nghề dịch vụ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mặt khác, nếu doanh nghiệp được coi là cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thì sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển, không bị giới hạn về điều kiện đầu tư hay cần chờ các loại giấy phép. Trong khi đó, doanh nghiệp rất lo ngại khi xếp hai dịch vụ này vào nhóm các dịch vụ viễn thông thì có bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu, nghĩa vụ, điều kiện áp dụng như với dịch vụ viễn thông truyền thống hay không?

Với ý kiến của các hiệp hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, nếu đối chiếu với quy định của WTO thì sẽ thấy một số đặc tính của trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây thuộc các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. Do đó, Ban soạn thảo đã đưa các dịch vụ này vào điều chỉnh tại dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Hơn nữa, đa số các quốc gia trên thế giới đều không còn Luật Công nghệ thông tin, thay vào đó, các hoạt động trên nền tảng internet được điều chỉnh bằng Luật Giao dịch điện tử.

“Đưa ba dịch vụ này vào điều chỉnh tại dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) nhằm tạo ra một đạo luật điều chỉnh duy nhất, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, cũng như có thể tập trung điều chỉnh thống nhất, xuyên suốt, không mâu thuẫn với các luật có liên quan. Nếu mỗi luật quy định một chút sẽ tạo sự điều chỉnh khá mờ nhạt, doanh nghiệp khi vận hành các dịch vụ này sẽ gặp khó”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Cần tách thành một chương riêng

Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, việc đưa các dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và OTT viễn thông vào điều chỉnh tại dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) để làm rõ về phân loại dịch vụ, các điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện kinh doanh, khắc phục khoảng trống pháp lý, tạo thuận lợi, minh bạch cho các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh. Đặc biệt, chính sách quản lý với ba dịch vụ này được quy định tại dự thảo Luật là theo phương pháp quản lý mềm (light-touch regulation), để khuyến khích phát triển.

Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc phát biểu tại phiên họp

Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và OTT viễn thông tại Việt Nam sẽ chỉ cần thực hiện thông báo với cơ quan chức năng được pháp luật giao thẩm quyền. Thông báo để cơ quan chức năng biết doanh nghiệp sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ từ thời điểm nào, ở những địa bàn nào, cũng như biết đâu là đơn vị chính danh cung cấp hai dịch vụ này trên lãnh thổ Việt Nam.

Riêng dịch vụ xây dựng hạ tầng trạm dữ liệu thì cần tiến hành đăng ký, vì phải có một số điều kiện nhất định để bảo đảm sẽ xây dựng những trung tâm dữ liệu xanh, đáp ứng điều kiện của các khu vực về năng lượng. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, doanh nghiệp cần đăng ký khi xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam không có nghĩa phải chờ giấy phép mới được triển khai. Ngược lại, doanh nghiệp cung cấp trung tâm dữ liệu đăng ký xong có thể triển khai ngay các hoạt động cần thiết, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện hậu kiểm.

Tán thành với phương án được Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại phiên họp, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng lý giải, đưa trung tâm dữ liệu và dữ liệu đám mây vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) là phù hợp, vì phương pháp tiếp cận mới hiện nay là công nghệ thông tin và viễn thông hội tụ. Bên cạnh đó, đưa vào điều chỉnh tại dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ liên quan đến quy hoạch, tạo các điều kiện thuận lợi khi triển khai đầu tư.

Với những thể hiện mới nhất tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) được chỉnh lý sau Kỳ họp thứ Năm thì ba dịch vụ viễn thông nêu trên sẽ được quản lý bằng phương pháp quản lý mềm. Do vậy, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN Vũ Tú Thành cho rằng, sẽ dễ dàng có sự đồng thuận của các hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia đối với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN Vũ Tú Thành phát biểu

Tuy nhiên, ông Vũ Tú Thành lưu ý, với cách quy định theo phương thức liệt kê và loại trừ trong từng điều khoản cụ thể tại dự thảo Luật hiện nay sẽ vẫn khiến doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng. Bởi, quy định theo cách này có nguy cơ tạo sự “nhập nhằng” trong quá trình áp dụng, phương pháp quản lý của dịch vụ viễn thông truyền thống có thể sẽ được áp dụng cho các dịch vụ viễn thông mới.

Do đó, ông Vũ Tú Thành và nhiều ý kiến khác đề nghị, cần hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng tách thành một chương riêng quy định cụ thể về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Đồng thời, chú ý trong cách viết từng điều, khoản của dự thảo Luật để bảo đảm sẽ tạo cách hiểu duy nhất, không gây nhầm lẫn, bối rối cho doanh nghiệp trong tiến hành hoạt động kinh doanh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn kết luận nội dung phiên họp.

Tán thành với đề nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng này. Bởi, với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ trên thế giới hiện nay, trong thời gian tới có thể sẽ hình thành nhiều loại dịch vụ viễn thông mới nữa, không dừng lại ở ba dịch vụ nêu trên. Nếu lồng ghép điều chỉnh với ba dịch vụ viễn thông mới trong các điều khoản điều chỉnh với dịch vụ viễn thông truyền thống sẽ khó theo dõi, dễ gây hiểu lầm trong quá trình triển khai thực hiện.

Trọng Quỳnh