Đoàn khảo sát thực địa khu vực Eo Bầu, thành phố Huế
Đoàn khảo sát đã đến thực địa tại khu vực Eo Bầu thuộc phường Đông Ba, thành phố Huế. Thực hiện đề án di dân ra khỏi khu vực 1 kinh thành Huế, sau khi người dân đi nơi khác, hiện xác nhà cửa vẫn còn ngổn ngang, tiến độ hạ giải chậm gây ảnh hưởng đến cảnh quan di tích. Các đơn vị cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục di dân các khu vực khác ngoài Kinh thành Huế với gần 1.300 hộ, tổng ngân sách gần 665 tỷ đồng.
“Đối với quần thể di tích cố đô Huế thì còn 19 khu vực còn lại, đời sống dân cư trong các khu vực này thì kiến nghị Quốc hội và các cơ quan cho phép áp dụng khung chính sách tiếp tục di dân 19 khu vực này để dân ổn định cuộc sống trong quá trình thực hiện”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế kiến nghị.
Đến thời điểm này, thực hiện đề án di dân ra khỏi khu vực 1 kinh thành Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã di dời gần 3.000 hộ dân đến các khu tái định cư khang trang. Người dân đến nơi ở mới đảm bảo điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ, qua đó tạo ấn tượng về chính sách di dân tái định cư của Nhà nước. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế kiến nghị cần phải tiếp tục di dời dân cư ra khỏi khu vực 1 di tích. Điều này cần được luật hóa trong lần sửa đổi Luật Di sản sắp tới, qua đó tạo nguồn lực tốt nhất trong việc thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng dân cư nhất là đối với 1 địa phương có mật độ di sản dày đặc như cố đô Huế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế ngăn chặn tình tráng tái diễn xâm lấn di tích sau di dời.
Tại buổi làm việc, ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt đề án di dân ra khỏi khu vực 1 kinh thành Huế. Việc thực hiện thành công đề án cũng cho thấy sự đồng thuận của người dân đối với bảo tồn di sản cũng như khung chính sách của Nhà nước.
Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế ngăn chặn tái diễn tình trạng lấn chiếm di tích sau khi di dời, xem đây là bài học kinh nghiệm quý trong quản lý dân cư. Việc phát huy giá trị di tích sau khi di dời dân cần được tính đến, đảm bảo hài hòa yếu tố bảo tồn và phát triển.