ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH QUẢNG NAM

05/07/2023

Sáng 05/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát, chủ trì cuộc làm việc.

ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH NINH BÌNH

Hệ thống di tích được bảo tồn nguyên vẹn, chân xác

Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 2 Di sản thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; có 451 di tích được xếp hạng, gồm: 4 di tích quốc gia đặc biệt, 64 di tích quốc gia và 383 di tích cấp tỉnh.

Đoàn khảo sát làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam

Hệ thống di tích trên địa bàn gồm đầy đủ các loại hình: lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 161 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 1 di sản (Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam) được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

"Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự đồng thuận của các chủ di tích và các tầng lớp Nhân dân cũng như sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, mặc dù thường xuyên bị thiên tai, bão lũ đe dọa, nhưng hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn, chân xác và chính sự nguyên vẹn này đã tạo nên tính hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan", Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Thu Hiền báo cáo Đoàn khảo sát.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Thu Hiền báo cáo Đoàn khảo sát

Cụ thể, các di tích trên địa bàn tỉnh về cơ bản được quan tâm đầu tư tu bổ, tránh được nguy cơ sụp đổ, xuống cấp và góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa và cách mạng trong các tầng lớp nhân dân; làm giàu thêm giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của tỉnh Quảng Nam.

Nhiều di tích đã phát huy tốt giá trị và trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến Quảng Nam, như Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An; hoặc trở thành nơi tổ chức hoạt động "về nguồn" cho các thế hệ như Địa điểm Chiến thắng Núi Thành, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Địa đạo Kỳ Anh, Khu Căn cứ lịch sử cách mạng Trung Trung bộ - Nước Oa. Khu căn cứ Phước Trà... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Công tác truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn, phục dựng, khai thác và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể luôn được quan tâm, đầu tư. Tổ chức các lớp tập huấn “Bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi” cho các nghệ nhân, Câu lạc bộ/ Nhóm/ Đội, giáo viên thanh nhạc và những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản Nghệ thuật Bài chòi tại các huyện, thành phố...

Đề nghị phân cấp cho địa phương thẩm định tu bổ nhỏ trong di sản thế giới

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật có liên quan, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Thu Hiền, một số quy định cần được điều chỉnh, bổ sung. Trong đó, việc áp dụng các quy định của Nghị định 166/2018/NĐ-CP về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, làm nảy sinh nhiều khó khăn trong công tác tu bổ nói chung và các di tích thuộc sở hữu tư nhân nói riêng tại Hội An.

Việc tu bổ di tích tại Hội An phải được thực hiện liên tục, trong đó nhiều trường hợp phải tu bổ khẩn cấp với những hạng mục có quy mô nhỏ (lợp lại mái ngói, sửa chữa góc tường, gia cố dầm cột…). Trong khi đó theo quy định, việc thẩm định hồ sơ tu bổ di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng thời, các quy định về thủ tục, hồ sơ tu bổ đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt thường mất nhiều thời gian và phải lấy ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành, kể cả trong trường hợp tu bổ ở quy mô nhỏ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị Quảng Nam nắm sát tình hình chuyển đổi chủ sở hữu nhà trong phố cổ Hội An, có giải pháp kịp thời, để Hội An không mất đi giá trị cốt lõi

Để khắc phục khó khăn trên, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đề nghị có cơ chế đặc thù về bảo tồn, phát huy Di sản thế giới Khu phố cổ Hội An. Đồng thời, xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định trong Nghị định số 166/2018/NĐ-CP theo hướng, đối với việc sửa chữa nhỏ, gia cường, gia cố (không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích) trong di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, giao cho địa phương thẩm định, tạo thuận lợi và kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, mặc dù các cấp, ngành tỉnh Quảng Nam quan tâm đến công tác đầu tư, tu bổ, nhưng do thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ nên hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh luôn có nguy cơ bị hư hại, xuống cấp, nhất là đối với các di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Trong khi đó nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư tu bổ di tích còn nhiều hạn chế. Vì thế, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam sẽ tạo cơ chế, cơ sở pháp lý cho tỉnh trong việc huy động, quản lý và sử dụng kinh phí để bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích, đặc biệt đối với 2 di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và Mỹ Sơn.

Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần xem xét ban hành định mức tu bổ tháp Chăm; đơn giá nhân công riêng áp dụng cho hoạt động tu bổ di tích...

Đoàn khảo sát đánh giá cao việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều cơ chế, chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích trên địa bàn. Gần đây nhất là tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 21.4.2022 về Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, với mức hỗ trợ đầu từ ngân sách tỉnh là 90,9 tỷ đồng. Điều này thể hiện nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm của địa phương trong bảo vệ di sản của mình. Đồng thời, việc gắn chặt bảo tồn với phát huy giá trị di sản, góp phần khắc phục cơ bàn tình trạng, nguy cơ xuống cấp của di sản/di tích trên địa bàn.

Đoàn khảo sát đề nghị Sở tổ chức triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án của 3 chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến văn hóa. Nghiên cứu có chính sách với nghệ nhân truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là nghệ thuật bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt, "nắm chắc và sát tình hình chuyển đổi chủ sở hữu nhà trong phố cổ Hội An, tham mưu cho tỉnh Quảng Nam có giải pháp kịp thời, để Hội An không mất đi giá trị cốt lõi", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh. 

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)