GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

30/06/2023

Chiều 30/06, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC, XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN VỀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát tại buổi làm việc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đặng Thị Thu Hương cho biết, hoạt động đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn được thực hiện theo các quy chế, quy định, văn bản hướng dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội. Căn cứ hướng dẫn về công tác tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường thực hiện xây dựng chỉ tiêu theo từng chuyên ngành đào tạo. Hàng năm (2 đợt/năm), thông báo tuyển sinh trên website chính thức của trường; tổ chức xét hồ sơ và đánh giá chuyên môn của các ứng viên theo đúng quy định.

Những năm vừa qua, số lượng tuyển sinh nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn đứng đầu trong số các trường thành viên trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường hiện có 31 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Một số chuyên ngành những năm gần đây thu hút ứng viên đông đảo hơn các chuyên ngành khác, như Quan hệ quốc tế, Chính trị học, Du lịch học... Tuy nhiên, một số chuyên ngành chưa thực sự hấp dẫn người tham gia dự tuyển như Hán Nôm, Khảo cổ học, Nhân học, Lịch sử sử học và sử liệu học...

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đặng Thị Thu Hương báo cáo với Đoàn Giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ của trường

Mỗi chuyên ngành đào tạo được xây dựng dựa trên các đặc thù khác nhau, nhằm bảo đảm tốt chất lượng chuẩn đầu ra. Ngoài tổ chức giảng dạy, các học phần, tổ chức đánh giá đề cương, chuyên đề liên quan đến luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh, các đơn vị đào tạo chuyên môn trực thuộc trường còn có trách nhiệm tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh hoàn thành nhiều hoạt động khác như: sinh hoạt chuyên môn, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học...

Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đặng Thị Thu Hương cho biết, số lượng nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo, bảo vệ luận án trong thời gian 3 năm chuẩn không nhiều (10%), phần lớn trong khoảng thời gian 5 năm (80%), một số ít thuộc đối tượng trả về cơ quan công tác (10%).

Từ thực tế đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển của kinh tế - xã hội.

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn phát biểu

Thông tin thêm về công tác đào tạo trình độ tiến sĩ tại nhà trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn cho biết, đào tạo tiến sĩ là bậc cuối cùng của đào tạo nhân lực chất lượng cao. Quan điểm nhất quán của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là hàn lâm làm nền tảng nhưng hiện đại là xu hướng. Với tinh thần như vậy, thời gian qua, công tác đào tạo sau đại học, trong đó có đào tạo tiến sĩ của nhà trường luôn ổn định phát triển, bảo đảm chất lượng.

Từ thực tiễn đào tạo cũng như liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại cơ sở, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Đoàn giám sát. Theo đó, nhà trường đề xuất cần có chính sách kiểm soát chất lượng chặt chẽ và hiệu quả hơn, bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ, tạo môi trường học thuật nghiêm túc, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong bối cảnh tự chủ diễn ra mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, 5 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần điều chỉnh các quy định về đào tạo tiến sĩ bằng Thông tư 08/2017/TT-BGDÐT năm 2017, Thông tư 18/2021/TT- BGDĐT năm 2021. Hai thông tư này có những quy định khác nhau về chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh, dẫn đến khó khăn nhất định trong quá trình tổ chức đào tạo. Nhà trường kiến nghị việc ban hành các quy định mới về đào tạo tiến sĩ cần có tính kế thừa và phát triển, có lộ trình phù hợp với bối cảnh xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận hiệu quả đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thời gian qua đã đóng góp to lớn vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc khối ngành xã hội và nhân văn cho đất nước.

Nhấn mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, đào tạo tiến sĩ nói riêng đứng trước nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, những chia sẻ, kiến nghị tại buổi làm việc sẽ được Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu, trên cơ sở đó góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu tại buổi làm việc

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn cho biết, đào tạo tiến sĩ là bậc cuối cùng của đào tạo nhân lực chất lượng cao, quan điểm nhất quán của Trường là hàn lâm làm nền tảng nhưng hiện đại là xu hướng

Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tại buổi làm việc

Các đại biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, những chia sẻ, kiến nghị của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ​tại buổi làm việc sẽ được Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu, trên cơ sở đó góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian tới

Thu Phương -Nghĩa Đức