QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

25/06/2023

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục tập trung, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thống nhất cao với báo cáo của Quốc hội mà đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đã trình bày, việc chọn và triển khai chuyên đề giám sát tối cao, việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế, cơ sở y tế dự phòng theo đại biểu là rất trúng và rất đúng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Bối cảnh thực hiện chuyên đề này là trong điều kiện đất nước ta trải qua một thời gian chống dịch hết sức vất vả, đau thương, mất mát và chưa có tiền lệ. Bên cạnh đó, qua đau thương, mất mát, chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, yêu thương của con người Việt Nam, lá lành đùm lá rách, chia sẻ ngọt bùi. Hình ảnh những thiên thần áo trắng, những anh bộ đội, lực lượng vũ trang giúp dân chống dịch, mua thực phẩm, v.v... Tuy nhiên, qua dịch COVID-19 chúng ta thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, của đất nước để cấu kết làm trái quy định pháp luật, làm giàu bất chính và thực tế đã bị pháp luật nghiêm trị.

Đại biểu cho rằng, qua đại dịch chúng ta thấy sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đến sức khỏe Nhân dân, các cấp, các ngành thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư bằng hàng trăm văn bản hằng ngày chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thức xuyên đêm để chỉ đạo phòng, chống dịch, hay vào vùng trung tâm dịch để thăm hỏi, động viên Nhân dân. Kết quả là chúng ta đã phòng, chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Tuy nhiên, qua giám sát chúng ta cũng thấy được những bất cập, lỗ hổng của các quy định pháp luật và những vấn đề tồn tại khác mà báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu.

Tham gia thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, đề cập đến vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có ý kiến phát biểu và giải trình. Tuy nhiên, thực tình trạng này đang là vấn đề lo lắng của nhiều người dân và kể cả các y, bác sĩ. Hầu hết hiện nay nhiều bệnh viện công thiếu thuốc, vật tư y tế nên người bệnh thuộc diện bảo hiểm y tế phải mua thuốc ở bên ngoài. Trong khi đó, hiện nay pháp luật hiện hành chưa có quy định về hoàn trả lại số tiền mà bệnh nhân phải bỏ tiền túi để mua thuốc thuộc diện bảo hiểm xã hội nhưng phải mua bên ngoài để thanh toán lại cho người dân.

Việc thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc thì nhiều bệnh viện không thể thực hiện được các ca phẫu thuật thông thường mà phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, gây áp lực, quá tải cho tuyến trên, vừa thiếu thuốc, vừa quá tải. Một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân do quá thời gian vàng trong điều chỉnh một số bệnh, ví dụ như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, chấn thương sọ não, v.v...

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Theo đại biểu, vấn đề đấu thầu trang thiết bị y tế tại bệnh viện cũng đang gặp phải khó khăn. Ngày 14/4/2023 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 08 bãi bỏ Thông tư số 14 ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định về một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Trong khi đó, Thông tư số 08 lại không hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ đấu thầu trang thiết bị y tế như thế nào khi đã bãi bỏ Thông tư số 14.

Nghị quyết số 30 ngày 4/3/2023 của Chính phủ cho phép thí điểm hướng dẫn xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó, việc sửa chữa, thay thế thiết bị y tế lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết. Một số trang thiết bị y tế hiện đại bị hư hỏng, như hệ thống chụp mạch máu DSA, cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp, v.v. phải tốn rất nhiều thời gian mới sửa chữa xong, nguyên nhân chính cũng do thủ tục pháp lý rườm rà, phức tạp. Bởi vì, theo Nghị định 98 quy định phải có 3 báo giá đối với từng loại vật tư y tế mới tiến hành đấu thầu sửa chữa được. Theo các nhà thầu kinh doanh thì mỗi trang thiết bị y tế tại Việt Nam hư hỏng tại các vị trí khác nhau nên linh kiện thay thế khác nhau. Đối với máy móc độc quyền thì việc tìm được 3 báo giá đối với cùng một loại linh kiện là điều gần như không thể.

Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, đại biểu đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục tập trung, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện và công tác đấu thầu thuốc thì nên giao cho một đơn vị tư vấn độc lập để ngành y tế chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ hai, đề nghị cần có quy định về việc thanh toán lại chi phí cho người có bảo hiểm y tế khi không không có thuốc bảo hiểm y tế mà phải mua bên ngoài.

Thứ ba, đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn rõ ràng và kịp thời về công tác đấu thầu vật tư y tế, hóa chất khi đã bãi bỏ Thông tư số 14 ngày 10/7/2020, đặc biệt, đối với những trang thiết bị độc quyền, đặc thù trong ngành y tế.

Minh Hùng