QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV
ĐBQH NGUYỄN CÔNG HOÀNG: KỲ VỌNG CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA SẼ SỚM ĐƯỢC TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ TRONG CUỘC SỐNG
Sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5/23 đến ngày 10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6/2023 đến ngày 24/6/2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quố hội đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra. Kỳ họp này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng công phu, hợp lý và hiệu quả. Thời gian Kỳ họp đã được cân nhắc kỹ, rút ngắn tối đa để tiết kiệm thời gian, chi phí và đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng các nội dung của kỳ họp và phù hợp với điều kiện, tình hình công việc chung của đất nước.
Tại kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét, biểu quyết thông qua 17 dự án luật, 17 dự thảo nghị quyết. Trong đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định và cho ý kiến đối với 8 dự án luật; cho ý kiến lần đầu về 08 dự án luật. Đặc biệt, Quốc hội cũng đã dành thời gian cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Thị Sửu- Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh việc đánh giá và có những đề xuất sau khi kết thúc kỳ họp.
Phóng viên: Xin đại biểu cho biết, sau 23 ngày làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá như thế nào về sự đổi mới, đặc biệt là các nội dung phát sinh được đưa ra kỳ họp thứ 5 này?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế: Phải nói rằng, thứ nhất, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế rất ấn tượng với cách điều hành, sắp xếp chương trình, đặc biệt là những nội dung có phát sinh tại kỳ họp thứ 5 này. Sau khi lấy ý kiến của Bộ Chính trị, các cấp có thẩm quyền, lãnh đạo Quốc hội, những nội dung phát sinh được đưa vào chương trình dự kiến để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và tiếp đó là lấy ý kiến tại Quốc hội. Hầu hết nội dung lấy ý kiến bổ sung đều nhận được sự đồng tình cao của các ĐBQH tại Hội trường.
Thứ hai là về công tác điều hành, thảo luận các dự án luật, nghị quyết. Trong phiên chất đối với 4 Bộ trưởng, các ĐBQH đánh giá cao sự điều hành trực tiếp, sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về những nội dung được nêu ra. Sau mỗi phiên chất vấn, các ĐBQH đều có nhận định về những kết quả đã đạt được và đề xuất các giải pháp tiếp theo đối với các Bộ ngành liên quan.
Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 5.
Thứ ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cao của các ĐBQH đóng góp cho các dự án luật, nghị quyết thông qua với số lượng người đăng ký tương đối nhiều tại các phiên thảo luận Tổ, hội trường và chất vấn. Đặc biệt, số lượng nữ ĐBQH tham đóng góp ý kiến vào các dự án Luật ở các phiên thảo luận, phiên chất vấn cũng tương đối nhiều trên tinh thần trách nhiệm cao. Qua đó cho thấy, các ĐBQH đã phải nghiên cứu các dự án luật, nghị quyết một cách sâu sát, toàn diện cũng với mong muốn truyền đạt tối đa kiến nghị, đề xuất của cử tri về các vấn đề kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh và phát sinh trong thực tiễn như: tăng giá điện, cung ứng xăng dầu, an toàn an ninh năng lượng, lương thực, tiến trình hoàn thiện các dự án đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhà ở cũng như những giải pháp để nâng cao sinh kế của người dân…
Phóng viên: Trong chương trình nghị sự của kỳ họp, đại biểu có thể cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm tới những nội dung gì và có đề xuất như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế: Nội dung được nhiều Đoàn ĐBQH cũng như Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm nhất trong kỳ họp thứ 5 này là việc cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bởi đất đai liên quan đến nhiều lĩnh vực khác và như các ĐBQH xác định, Luật Đất đai sẽ là một luật gốc, làm tiền đề cho các luật khác nên phải được tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện một cách nghiêm túc cũng như giải trình một cách sâu sát, toàn diện. Do đó, từ nay cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai thì cơ quan soạn thảo, thẩm tra và các cơ quan hữu quan cần đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến các đối tượng, đơn vị chịu tác động. Thông qua đó, các cơ quan sẽ thấy được những nội dung nào còn thiếu khuyết để điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Phóng viên: Vậy Đoàn ĐBQH tỉnh đặt kỳ vọng như thế nào đối với các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế: Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế mong rằng, những luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp sớm được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Theo đó, các Bộ ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kịp thời ban hành văn bản dưới luật một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, chúng ta cần có các chiến dịch truyền thông sâu rộng những nội dung chính, cốt lõi của các dự án luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua để cho người dân hiểu rõ, chấp hành nhanh và hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các ĐBQH tham dự phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 5.
Qua những sự tiếp cận nhiều chiều như vậy, những nội dung khả thi sẽ phát huy tác dụng ngay. Còn những nội dung bất cập trong luật sẽ được phát hiện kịp thời để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kịp thời bằng những hình thức phù hợp nhất. Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mong rằng, cử tri và ĐBQH tiếp tục giám sát những lời hứa của các Bộ trưởng và các Bộ ngành, cơ quan hữu quan đối với việc đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 này vào áp dụng trong thực tiễn cuộc sống.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!