SỬA ĐỔI LUẬT VIỄN THÔNG: CẦN PHÂN TÍCH, LÀM RÕ HƠN VIỆC MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

22/06/2023

Sáng 22/6, tham gia thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, cần phân tích, làm rõ, thuyết phục hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, nhất là đối với các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới,...

ĐỀ XUẤT BỔ SUNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM BÍ MẬT THÔNG TIN CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG SỬ DỤNG DỊCH VỤ VIỄN THÔNG

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Dự thảo Luật gồm 10 chương, 74 điều quy định về hoạt động viễn thông, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông.

Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng: hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt; ưu tiên đầu tư nhanh, đi trước một bước. Đồng thời, khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Góp ý vào phạm vi điều chỉnh được quy định tại dự thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan trong dự thảo Luật đối với những nội dung mở rộng, tránh sự trùng lặp, chồng chéo….Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng cần cân nhắc về mức độ quản lý cho phù hợp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm chặt chẽ, khả thi và hạn chế việc tăng chi phí của doanh nghiệp và phù hợp với cam kết quốc tế.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Theo đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, mặc dù Điều 1 của dự thảo luật đã xác định phạm vi điều chỉnh là hoạt động viễn thông và tại khoản 2 Điều 3 phần iải thích từ ngữ đã nêu: “Hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, hàng hóa viễn thông; hoạt động viễn thông công ích; kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; xây dựng công trình viễn thông”.Tuy nhiên, các nội dung dự thảo luật đang tập trung chủ yếu vào điều chỉnh hoạt động viễn thông giống như quy định tại Luật Viễn thông 2009 hiện hành. Vì vậy, đại biểu tỉnh Trà Vinh đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ hơn nội hàm hoạt động viễn thông và bổ sung các quy định cho phù hợp trong dự thảo luật.

Đại biểu cũng cho biết thêm, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, hoạt động viễn thông thường bao gồm quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được đảm bảo an toàn viễn thông cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ; cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông, nghiên cứu triển khai hoạt động viễn thông,… Hơn nữa trong bối cảnh có sự kết hợp giao thoa, hội tụ giữa lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông tạo ra vô vàn tiện ích, ranh giới không còn rõ ràng thì bên cạnh việc thuyết minh rõ ràng phạm vi điều chỉnh các hoạt động viễn thông đang được quy định tại các luật có liên quan khác, hồ sơ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng cần phân tích kỹ về bối cảnh xây dựng chính sách, phân tích chính sách, tác động của dự án luật,..

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không chồng chéo với các lĩnh vực khác, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ngoài ra, đại biểu cũng lưu ý, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet hay còn gọi là OTT, dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây cũng cần cân nhắc về mức độ quản lý cho phù hợp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo chặt chẽ, khả thi và hạn chế việc tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, hạn chế ảnh hưởng đến lợi ích mà các dịch vụ thuộc lĩnh vực mới mang lại và phù hợp với cam kết quốc tế.

Bày tỏ tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc bổ sung các loại hình dịch vụ này nhằm quản lý kịp thời các dịch vụ ứng dụng mới xuất hiện hoạt động trên nền tảng internet mà không sử dụng tài nguyên số, phụ thuộc vào kết nối viễn thông. Mặt khác, các dịch vụ mới này được sử dụng phổ biến nhưng hiện chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành và cần phải có chế tài quản lý để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ an toàn, an ninh.

Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam 

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị, cần cân nhắc tính toán thật hợp lý vì nếu quản lý chặt chẽ quá sẽ ảnh hưởng đến việc khuyến khích dịch vụ mới phát triển và đổi mới sáng tạo. Theo đại biểu cần có phương án quản lý ở mức độ phù hợp, xác định quản lý như thế nào khi dịch vụ này có tính xuyên biên giới, với hình thức nào để không ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài do phải thực hiện các cam kết hoặc vấn đề về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin để tạo môi trường thực sự thuận lợi cho các dịch vụ này phát triển và khuyến khích đổi mới sáng tạo. “Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm, đặc biệt ở các nước có nét tương đồng với Việt Nam để làm rõ, hoàn thiện các quy định này, nhằm đảm bảo tính khả thi cũng như đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…”, đại biểu Vương Quốc Thắng nhấn mạnh.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), liên quan tới nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, về cơ bản, Ủy ban KH,CN&MT tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các dịch vụ: (1) trung tâm dữ liệu; (2) điện toán đám mây; (3) dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ số. Một số dịch vụ viễn thông mới xuất hiện, cần phải được quản lý bằng pháp luật ở mức độ nhất định với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan trong dự thảo Luật đối với những nội dung mở rộng, tránh sự trùng lặp, chồng chéo. Đồng thời, cần nghiên cứu thiết kế quy định trong dự thảo Luật đối với 03 loại dịch vụ mới nêu trên theo hướng mở, mang tính nguyên tắc. Ý kiến khác cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ mới như làm tăng chi phí tuân thủ, ảnh hưởng đến những lợi ích đối với nền kinh tế, làm giảm sức hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu hay cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.

Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, phân tích, làm rõ, thuyết phục hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh; báo cáo với Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để phát huy tác dụng cộng hưởng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, nhất là đối với các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung các quy định về dịch vụ viễn thông vệ tinh chùm tầm thấp phù hợp với các quy định cung cấp dịch vụ viễn thông./.

Lê Anh - Phạm Thắng