SỬA ĐỔI LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN: ĐẢM BẢO AN TOÀN, AN NINH THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ

22/06/2023

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 22/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Tại phiên họp, các đại biểu thể hiện nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ dự án luật của Chính phủ. Các tài liệu trong hồ sơ dự án luật đã đầy đủ, cơ bản đảm bảo nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời Chính phủ cũng đã kịp thời có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội ngay sau khi họp.

Đa số đại biểu thống nhất với những chính sách, nội dung lớn quy định trong dự thảo Luật, những quy định của dự thảo luật là tương đồng với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển và phù hợp với quy định của Hiến pháp, không xung đột với các luật khác. Tuy nhiên, có một số đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát lại các quy định của dự thảo luật đảm bảo thống nhất với các quy định liên quan trong hệ thống pháp luật, vừa đánh giá kỹ sự phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, tại Điều 4 của dự thảo luật có quy định 3 nguyên tắc về quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước. Để đảm bảo các nội dung quy định được đầy đủ, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung nguyên tắc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo quy định của pháp luật.

Theo đại biểu, hiện nay các cơ sở dữ liệu thông tin của công dân sẽ được số hóa quản lý và lưu trữ bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó cần có nguyên tắc để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho người được cấp căn cước công dân. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội hàm của nguyên tắc thứ ba như sau: Thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, quản lý tập trung, thống nhất, chặt chẽ, an toàn, duy trì khai thác, sử dụng hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao và lưu trữ lâu dài.

Tại khoản 3 quy định nguyên tắc lưu trữ lâu dài đối với các thông tin tài liệu của cá nhân được thu thập, cập nhật, đại biểu cho rằng quy định này chưa rõ ràng, cụ thể về thời gian lưu trữ. Quản lý căn cước cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước liên quan đến bí mật đời tư của mỗi cá nhân, do đó, đại biểu cho rằng cần phải xác định đây là tài sản của Nhà nước và cần được lưu trữ vĩnh viễn, đảm bảo an toàn.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm, điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân khi kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và những thông tin trong Hệ thống định danh và xác thực điện tử được quy định tại các Điều 11, 17 và Điều 33 để tránh việc thông tin cá nhân có thể bị khai thác, sử dụng trái pháp luật.

Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Theo quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2015, bí mật đời tư của cá nhân cần được tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, như Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, đại biểu cho rằng còn có một số quy định chưa thực sự cụ thể. Dự thảo luật lần này có những quy định rằng tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kết nối, chia sẻ những thông tin để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, chia sẻ thông tin trong Hệ thống định danh và xác thực điện tử với rất nhiều thông tin cá nhân được cập nhật. Đồng thời, dự thảo luật cũng có những quy định cho phép các tổ chức, cá nhân được kết nối, khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, Hệ thống định danh và xác thực điện tử, như tại khoản 4 Điều 11, khoản 1 Điều 33.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong dự thảo lại thiếu các quy định về trách nhiệm, điều kiện cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân, kể cả đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội khi kết nối, khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, Hệ thống định danh và xác thực điện tử. Đại biểu cho rằng, đây có thể là kẽ hở dẫn đến việc tùy tiện trong việc kết nối, khai thác, sử dụng làm lộ, lọt thông tin, vi phạm bí mật đời tư của cá nhân. Thực tế, có khá nhiều thông tin cá nhân có thể dễ dàng tra cứu trên mạng xã hội, vì vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải tiếp tục nghiên cứu có quy định cụ thể về nội dung này.

Phạm vi khai thác thông tin phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể

Quan tâm đến vấn đề thu thập, tích hợp thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, dự thảo luật quy định có 24 nhóm thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tuy nhiên ở khoản cuối cùng của điều này có quy định, ngoài những thông tin nêu trên, còn thu thập, tích hợp cả những thông tin khác của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc thêm về các quy định này, vì có nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán, v.v..  Trong dự thảo luật cũng chưa làm rõ "những thông tin khác của công dân" là những thông tin gì.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu

Đại biểu cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bên cạnh mục đích là để phục vụ quản lý nhà nước, còn có một mục đích rất quan trọng, là giúp người dân có thể tiến hành giao dịch, thủ tục hành chính ở bất cứ địa điểm nào mà không bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Tuy nhiên, những thông tin này liên quan trực tiếp đến các thông tin của công dân, trong đó có cả những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân.  Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định cụ thể những thông tin của công dân ngay ở trong luật để đảm bảo rõ ràng, không nên quy định về “các thông tin khác” như trong dự thảo luật.

Về các chủ thể được khai thác thông tin, Điều 11 của dự thảo luật quy định "các chủ thể được khai thác thông tin bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư". Tán thành với quy định của dự thảo về các chủ thể được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu cho rằng các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, tổ chức sẽ có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, cho nên mục đích khai thác cũng như phạm vi khai thác sẽ không giống nhau. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại chỉ quy định về các chủ thể được khai thác thông tin mà lại không quy định về phạm vi thông tin từng chủ thể này được khai thác.

Đại biểu đề nghị trong quá trình chỉnh lý cần rà soát và quy định cụ thể ngay trong luật này về phạm vi thông tin mà từng chủ thể được khai thác theo nguyên tắc phải bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể. Về việc giao cho Chính phủ quy định, đại biểu đề xuất chỉ nên giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục của quá trình thu thập, khai thác thông tin.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội 

Cùng tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, theo cách quy định tại khoản 2 Điều 30 trong dự thảo luật, nhóm đối tượng bị tạm giữ thẻ căn cước chỉ là những người đang bị tước hoặc đang bị hạn chế quyền tự do thân thể, tự do đi lại, bao gồm: người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị tạm giữ, bao gồm cả tạm giữ hành chính và tạm giữ hình sự; người đang bị tạm giam; người đang chấp hành án phạt tù.

Đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo đã bỏ sót một số đối tượng không bị tạm giữ thẻ căn cước, mặc dù họ cũng bị hạn chế quyền tự do đi lại, cụ thể là những người bị áp dụng hình phạt quản chế theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc người bị bắt theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc và làm rõ tiêu chí lựa chọn nhóm đối tượng bị tạm giữ thẻ căn cước, đồng thời cho biết lý do vì sao không tạm giữ thẻ căn cước của 2 đối tượng nêu trên.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhận định, khoản 2 Điều 30 trong dự thảo Luật chưa tách bạch giữa đưa vào trường giáo dưỡng và giáo dục tại trường giáo dưỡng, nên chỉ quy định một biện pháp là đưa vào trường giáo dưỡng, không quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, dẫn đến bỏ sót đối tượng này.

Qua nghiên cứu Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự, đại biểu cho rằng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là 2 biện pháp hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và được áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi theo trình tự, thủ tục do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Trong khi đó, giáo dục tại trường giáo dưỡng lại là biện pháp tư pháp hình sự, được quy định trong Bộ luật Hình sự và áp dụng với người từ đủ 14 tuổi theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Để không bỏ sót và bảo đảm bình đẳng giữa người bị đưa vào trường giáo dưỡng với người bị giáo dục tại trường giáo dưỡng, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "giáo dục tại trường giáo dưỡng" vào điểm a khoản 2 Điều 30.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, việc cấp giấy chứng nhận căn cước, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, quy định về cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, cấp, quản lý căn cước điện tử.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các ý kiến của đại biểu đều đã được Chính phủ báo cáo rõ và hướng tiếp thu giải trình tại Báo cáo số 311 ngày 20/6/2023. Bộ Công an sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Cảm ơn lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã quan tâm và có những ý kiến tham gia vào nội dung trọng tâm của dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Nhân dân tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với dự án Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, khách quan, nhiều thông tin, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến với căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành, tên gọi, phạm vi điều chỉnh và nhiều nội dung của dự thảo luật. Nhiều vấn đề đã được đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá, phân tích và tham gia những ý kiến xác đáng, đồng thời cũng đề nghị làm rõ hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung trong dự thảo luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường để tiếp tục hoàn thiện dự án luật. Dự kiến dự án Luật này sẽ được lấy ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và tiếp tục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh các quy định, thủ tục cho phù hợp với thực tiễn, tránh làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, đồng thời tạo sự thuận lợi khi triển khai thực hiện

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc liên thông tích hợp các cơ sở dữ liệu thành một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung 

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng căn cước điện tử chỉ nên là phương thức thực hiện từ quản lý hành chính sang quản lý bằng phương thức điện tử, không nên xác định tài khoản định danh điện tử là căn cước điện tử

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đề nghị Bộ Công an nghiên cứu để hướng dẫn cho công dân cách khai quê quán hợp lý, khoa học và thống nhất

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường để tiếp tục hoàn thiện dự án luật./.

Hồ Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức