QUY ĐỊNH RÕ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ THUÊ HẠ TẦNG KỸ THUẬT DÙNG CHUNG TRÁNH TÌNH TRẠNG ĐỘC QUYỀN

22/06/2023

Tại Kỳ họp thứ 5, cho ý kiến về kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông tại Chương V của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội nêu quan điểm: Cần quy định bắt buộc phải chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đồng thời rà soát, hoàn thiện về cơ chế, nguyên tắc và phương pháp xác định giá thuê hạ tầng kỹ thuật dùng chung, tránh tình trạng độc quyền hạ tầng viễn thông.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): TIẾP TỤC RÀ SOÁT ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ TÍNH THỐNG NHẤT VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

Quy định về kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông quy định từ Điều 45 đến Điều 48, Chương V của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Trong đó, nêu nguyên tắc kết nối viễn thông; Kết nối mạng viễn thông công cộng; Kết nối mạng viễn thông dùng riêng; Chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông.

Cho ý kiến về quy định này, các ý kiến đại biểu cho rằng, việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật là một chính sách đang được Nhà nước khuyến khích nhằm tránh việc các đơn vị thi công rải rác, không đồng bộ, ảnh hưởng đến quy hoạch, cảnh quan không gian. Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, việc kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ khâu quy hoạch cho đến tổ chức thực hiện (nhất là vấn đề đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung). Mặc dù có hướng dẫn về cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung nhưng nội dung chưa được rõ ràng và gây nhiều vướng mắc khi áp dụng trên thực tế. 

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị rà soát, hoàn thiện các quy định về kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, không để xảy ra tình trạng độc quyền đẩy giá thuê công trình hạ tầng lên cao, bất hợp lý; quy định chặt chẽ việc bảo mật thông tin cá nhân, ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để tránh xảy ra lạm quyền.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước 

Về giải thích từ ngữ, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, tại Điều 3 về giải thích từ ngữ nêu "công trình viễn thông là công trình xây dựng, bao gồm hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nhà, trạm, cột, cống, bể và thiết bị mạng được lắp đặt vào đó". Vì vậy, công trình viễn thông và việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động viễn thông. Chính sách về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông đã được đề cập và quy định tại Điều 45 Luật Viễn thông 2009. Tuy nhiên qua thực tiễn hiện nay, đặc biệt là tại các khu chung cư, tòa nhà cao tầng, khu đô thị hiện nay xảy ra tình trạng người dân sinh sống tại các khu vực này chỉ có thể sử dụng dịch vụ của nhà mạng viễn thông đã ký kết hợp tác cung cấp hạ tầng kỹ thuật viễn thông với chủ đầu tư xây dựng tòa nhà, khu đô thị với giá cước cao, chất lượng kém mà không có cơ hội quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp khác, vì không có hạ tầng kỹ thuật.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị trong dự thảo luật sửa đổi lần này, cần có quy định rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hạ tầng kỹ thuật viễn thông trong các tòa nhà chung cư, khu đô thị, cũng như trách nhiệm cụ thể của nhà đầu tư phải thiết kế khi xây dựng công trình xây dựng. Đồng thời, có quy định rõ trong dự thảo luật về cơ chế quản lý giá dịch vụ, nhằm mục đích thuận tiện trong sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông để việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông được thể hiện dễ dàng giữa các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu quyền lựa chọn của người dân, tránh tình trạng độc quyền.

Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Khoản 3 Điều 48 dự thảo luật quy định: Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông trong các trường hợp sau đây: Sử dụng chung phương tiện thiết yếu nếu các doanh nghiệp viễn thông không đạt được thỏa thuận; Sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị; Sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông để phục vụ hoạt động viễn thông công ích. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ "quy định cụ thể" và điều chỉnh như sau: "Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định và quy định cụ thể việc chia sẻ hạ tầng viễn thông trong các trường hợp sau đây". Lý do, việc Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể sẽ giúp cho các doanh nghiệp viễn thông thuận lợi trong việc chia sẻ hạ tầng viễn thông và các địa phương thuận lợi trong quá trình quản lý, vận hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông là chính sách đang được Nhà nước khuyến khích, nhằm tránh việc các đơn vị phải thi công rải rác, không đồng bộ ảnh hưởng đến không gian phát triển chung. Đại biểu kiến nghị đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật dùng chung cần phải được rà soát, hoàn thiện về cơ chế, nguyên tắc và phương pháp xác định giá thuê. Bởi qua tiếp xúc cử tri cho thấy, có doanh nghiệp nắm giữ cơ sở hạ tầng viễn thông nhưng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khác tham gia sử dụng hoặc quy định mức giá cao hơn nhiều lần so với đơn giá được khuyến khích áp dụng, dễ dẫn đến tình trạng độc quyền.

Pháp luật hiện hành chỉ mới yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện thông báo đăng ký giá thuê với Sở Tài chính mà không thông qua thẩm định, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung này trong dự thảo luật và quy định Chính phủ quản lý chặt chẽ hệ thống công trình viễn thông và quản lý đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông dùng chung nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Về quy định về chia sẻ hạ tầng viễn thông tại khoản 2 Điều 48, đại biểu cho rằng, cần quy định bắt buộc phải chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho phù hợp với Điều 7 của dự thảo luật; đồng thời cần có chính sách phù hợp với nhiệm vụ chia sẻ hạ tầng viễn thông trong các trường hợp này.

Đối với hạ tầng viễn thông do các tập đoàn, các doanh nghiệp đầu tư khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chia sẻ, cần có chính sách ưu đãi về tài chính, về thuế cho các doanh nghiệp. Đồng thời, cần có một điều quy định cụ thể về hạ tầng viễn thông trong lĩnh vực cấp bách và cần thiết này, quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong xây dựng quản lý chia sẻ hạ tầng viễn thông phục vụ nhiệm vụ khẩn cấp quốc phòng, an ninh.

Về kết nối và chia sẻ hạ tầng viễn thông tại Chương V, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, dự thảo luật đã quy định khá chi tiết việc kết nối và chia sẻ hạ tầng viễn thông. Các quy định này trên cơ sở kế thừa các quy định tại Chương VI của Luật Viễn thông năm 2009.

Theo đó, dự thảo luật lần này giữ nguyên nguyên tắc doanh nghiệp viễn thông có quyền kết nối mạng viễn thông của mình với mạng hoặc dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông khác, có nghĩa vụ cho doanh nghiệp viễn thông khác kết nối với mạng hoặc dịch vụ viễn thông của mình. Đồng thời, quy định giữa các doanh nghiệp viễn thông hoặc doanh nghiệp viễn thông với các tổ chức trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh chia sẻ hạ tầng viễn thông thông qua việc sử dụng chung một phần mạng, công trình, thiết bị viễn thông nhằm đảm bảo thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng hoặc đảm bảo yêu cầu về cảnh quan môi trường và quy hoạch đô thị.

Đại biểu khẳng định, đây là những quy định mới, có tính ưu việt lớn nhằm khắc phục tình trạng quyền anh, quyền tôi trong khai thác hạ tầng viễn thông và hạ tầng dịch vụ khác có liên quan. Đồng thời, tạo sự liên kết, chia sẻ nguồn lực góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các dịch vụ thiết yếu phục vụ phát triển đất nước, phục vụ nhu cầu của người dân, khai thác tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, tránh lãng phí nguồn lực và đảm bảo cảnh quan môi trường đô thị.

Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp và triển khai áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc để quy định cụ thể hơn các trường hợp được kết nối mạng, chia sẻ hạ tầng, các trường hợp được ưu tiên kết nối, chia sẻ ngay trong luật này, mà không giao cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông như quy định chi tiết tại các điều từ Điều 46, 47, 48 của luật.

Chia sẻ về quan điểm sửa đổi Luật Viễn thông, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu được Nhà nước ưu tiên xây dựng và được Nhà nước bảo vệ. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng trên đất công, tài sản công, Nhà nước ban hành quy hoạch, quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng với các ngành khác để đảm bảo hiệu quả đầu tư và mỹ quan đô thị. Đặc biệt khi chuyển sang 5G, 6G tần số cao nên phủ sóng hẹp, cần nhiều trạm phát sóng do vậy, hạ tầng sẽ tăng lên gấp bội nên sẽ càng cần hơn việc chia sẻ, dùng chung hạ tầng. Luật sửa đổi quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và về xử lý tranh chấp đối với xây dựng hạ tầng viễn thông.

Lan Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức