GÓP Ý LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI

21/06/2023

Thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội còn bó hẹp, nhiều đối tượng chưa được tiếp cận. Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cũng như có quy định để giải quyết vấn đề bốc thăm may rủi mua nhà ở xã hội.

CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI CẦN ĐIỀU CHỈNH THEO HƯỚNG TĂNG NHÀ Ở CHO THUÊ

Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Đóng góp ý kiến đối với quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về phát triển nhà ở tại khoản 6 Điều 73 dự thảo Luật, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp phát triển khá mạnh. Kéo theo đó, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân và lao động khu vực này không nhỏ, rất cần được nhà nước quan tâm, có chính sách hỗ trợ về nhà ở.

Đại biểu nhận thấy, quy định trong dự thảo Luật đang còn bó hẹp, nhiều đối tượng chưa tiếp cận được và còn có những điểm còn bất cập. Đơn cử, tại điểm a khoản 1 Điều 75 quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở phải chưa có nhà thuộc sở hữu của mình. Quy định này còn bất cập và chưa phù hợp đối với công nhân, người lao động ở tỉnh này đến tỉnh khác sinh sống, lao động và làm việc. Để đảm bảo công bằng, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đồng thời, xem xét lại các quy định về điều kiện, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, để đảm bảo phù hợp với chính sách về người cao tuổi đã ban hành tại Quyết định số 2156 ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2023, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội như hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi neo đơn, tàn tật tại Điều 73 dự thảo Luật. Theo đại biểu, đối tượng học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người là nhóm đối tượng luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực dịch vụ công và cơ hội phát triển. Tỷ lệ nghèo thường gấp hai đến bốn lần so với các nhóm dân tộc khác. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm đối tượng này vào trong dự thảo Luật.

Đại biểu Lương Văn Hùng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi

Cùng với đó, đại biểu Lương Văn Hùng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bổ sung đối tượng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế vào khoản 6 Điều 73 dự thảo Luật, sửa đổi thành “công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế”. Theo đại biểu, hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho người lao động không những trong khu công nghiệp mà cả trong khu kinh tế là rất lớn. Do đó, để khuyến khích và ổn định đời sống người lao động, giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp thì cần bổ sung đối tượng này thuộc đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Đại biểu cũng đề nghị đổi khái niệm “nhà ở xã hội” thành “nhà ở cho người có thu nhập thấp”, bởi khái niệm “nhà ở xã hội” rất rộng và thực tế thời gian qua, vẫn có những người có thu nhập cao được mua nhà ở xã hội.

Thêm vào đó, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, để giải quyết vấn đề bốc thăm may rủi mua nhà ở xã hội, ngoài việc quy định các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo Điều 73 dự thảo Luật thì cần có những quy định về thứ tự ưu tiên các tiêu chí cụ thể hơn để các đối tượng dễ dàng tiếp cận với nhà ở xã hội. Đồng thời, cần có quy định chặt chẽ để không làm phát sinh việc trục lợi chính sách về nhà ở xã hội.

Đại biểu cho biết, điểm a khoản 1 Điều 75 quy định điều kiện nhà ở, các đối tượng quy định tại khoản 1, 4, 5, 6, 8 và 9 Điều 73 để được mua, thuê nhà ở xã hội phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc hoặc nhà ở thuộc sở hữu nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị làm rõ cụm từ “nơi sinh sống” được xác định là đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Còn theo đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là vấn đề được rất nhiều người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm. Đại biểu nhận thấy, việc phân chia các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở như trong dự thảo Luật chưa phù hợp khi có quá nhiều đối tượng được liệt kê, một số đối tượng có sự tương đồng như đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Do đó, đại biểu đề nghị đối với những đối tượng có điểm tương đồng chỉ quy định về một loại đối tượng; đồng thời bổ sung đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cũng bày tỏ băn khoăn về quy định tại khoản 6 Điều 73 dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, Luật Nhà ở (sửa đổi) phải thể chế hóa được các chủ trương, nghị quyết của Đảng về chính sách đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là giải quyết được vấn đề hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.

Theo đại biểu, Luật không chỉ hỗ trợ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp mà còn phải quan tâm, hỗ trợ cả công nhân làm việc ở cụm công nghiệp và ngoài khu công nghiệp. Bởi công nhân trong hay ngoài khu công nghiệp có hợp đồng lao động và thuộc diện hỗ trợ đều cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ để công nhân, người lao động ổn định cuộc sống thì mới yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Công nhân trong hay ngoài khu, cụm công nghiệp đều có sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là thể hiện chính sách nhân văn sâu sắc và tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Do đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng phải có nhiều cơ chế, hình thức để hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động từ việc tạo điều kiện cho công nhân, người lao động mua nhà, cho thuê, mua hoặc hỗ trợ cho thuê nhà với giá rẻ cũng như tùy thuộc vào tình hình địa phương để hỗ trợ không thu tiền công nhân, người lao động. Luật Nhà ở (sửa đổi) phải giải quyết được vấn đề này nhằm tạo điều kiện tốt nhất để công nhân, người lao động tiếp cận dễ dàng với nhà ở, tạo sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp. Đồng thời cần có những cơ chế ưu đãi hơn nữa cho địa phương trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân và hỗ trợ nhà ở cho người lao động./.

Minh Thành