NÂNG CAO TÍNH ĐỒNG BỘ, KẾ THỪA GIỮA GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỚI HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA, THANH TRA CỦA CÁC CƠ QUAN HỮU QUAN

15/06/2023

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, các đại biểu cho rằng, để góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu cho rằng cần tiếp tục phân định rõ và nâng cao tính đồng bộ, sự kế thừa hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị.

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát Quốc hội năm 2024, trong đó bao gồm các nội dung về đánh giá kết quả thực hiện năm 2022, những tháng đầu năm 2023 và dự kiến chương trình năm 2024.

Đại biểu nhận thấy rằng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay, công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều đổi mới, tăng cường coi trọng thực chất, hiệu quả, tránh hình thức lãng phí và giảm tối đa phiền hà, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội 

Thực tế, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực như trong Tờ trình đã nêu, đặc biệt đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật. Đồng thời, xử lý nhiều vụ việc cụ thể tồn tại lâu nay và công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề đã nhận được sự quan tâm, theo dõi, ủng hộ của đông đảo cử tri và Nhân dân.

Để góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu cho rằng cần tiếp tục phân định rõ và nâng cao tính đồng bộ, sự kế thừa hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị. Tất nhiên ở đây vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan là khác nhau; phạm vi, tính chất, mức độ, nội dung, quy trình, phương pháp tiến hành có thể là khác nhau và đại biểu thấy rằng nội dung này cũng cần rất được quan tâm và cần phải tăng cường hiệu quả điều phối và phối hợp giữa các cơ quan để đảm bảo tính khách quan, độc lập, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan.

Về công tác bảo đảm các điều kiện thực hiện giám sát, kinh nghiệm thời gian vừa qua cho thấy điều này rất ảnh hưởng đến chất lượng của đoàn giám sát và đại biểu thấy rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của tổ giúp việc, tổ công tác, hoạt động của các chuyên gia và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giám sát.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát. Sau khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội ban hành Nghị quyết về giám sát thì cần thiết có thể xem xét có một kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan để theo dõi việc triển khai thực hiện kết quả giám sát và có đánh giá định kỳ.

Cùng với đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát và đặc biệt là tăng cường năng lực và hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Trong thời gian vừa qua thì việc này đã có sự chuyển biến rất tốt và tạo ra sức lan tỏa, nâng cao hiệu quả thực chất của hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện mục tiêu đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đã thực sự quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế và các quy định hướng dẫn phục vụ công tác giám sát; giám sát tối cao, giám sát chuyên đề được đổi mới, tăng cường và thực hiện có hiệu quả; hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, chất lượng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng đổi mới và tăng cường, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.

Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội ở địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động giám sát và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy quy định của pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội hiện nay vẫn còn một số vấn đề chưa phù hợp, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề; quy định về việc thành lập đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố theo quy định tại Điều 52 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, địa phương có ít đại biểu Quốc hội rất khó thành lập đoàn giám sát. Những vấn đề này cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung sớm trong thời gian tới.

Về hoạt động giám sát, cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra tại Tờ trình đầy đủ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc Hội chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp Trung ương và địa phương. Việc văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng ban hành không đúng trình tự quy định, không phù hợp, thiếu tính khả thi, thậm chí còn sai sót đang là những khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cản trở rất lớn liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong thời gian vừa qua.

Đại biểu đề nghị tiếp tục quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Chính phủ. Đây là vấn đề mà cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Minh Hùng