BỘ GD-ĐT BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 99/2019/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT PCCC

15/06/2023

Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật PCCC, đại diện Bộ GDĐT nhấn mạnh, thời gian tới Bộ tập trung tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC cho đội ngũ cán bộ giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục để lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, phù hợp với từng cấp, bậc học.

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY: LÀM RÕ GIẢI PHÁP “4 TẠI CHỖ” CỦA TỪNG BỘ NGÀNH

ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 99/2019/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ NGÀNH

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TẠI 12 BỘ, 4 TẬP ĐOÀN LỚN VÀ MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến Nghị quyết số 99/2019/QH14

Đề cập với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC), đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay cả nước có gần 42.551 cơ sở giáo dục từ cấp học mầm non đến đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên (gọi tắt là các cơ sở giáo dục) và 10.917 trung tâm học tập cộng đồng, bên cạnh các cơ sở giáo dục được xây mới, còn rất nhiều các cơ sở giáo dục được cải tạo từ các cơ sở sản xuất cũ, một số cơ sở giáo dục được thuê lại từ các văn phòng, không có công năng làm trường học, đặc biệt đối với các trường mầm non, trung tâm học tập cộng đồng.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ, trong các cơ sở giáo dục vẫn có chứa nhiều chất dễ gây cháy, nổ như bàn, ghế đồ dùng giảng dạy, thiết bị điện, các thiết bị thí nghiệm, hóa chất dễ cháy, phòng thí nghiệm, phòng máy tính và đặc biệt hệ thống bếp ăn của các trường bán trú đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, do đó nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn vẫn ở mức cao.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, việc giáo dục và hình thành kỹ năng nhận diện và phòng tránh các tình huống nguy hiểm cho học sinh, sinh viên là cần thiết. Khi học sinh được trang bị các kỹ năng này, ngoài việc tự nhận diện và phòng tránh các tình huống nguy hiểm cho bản thân, các em còn có thể giúp đỡ được người khác tại cộng đồng theo đúng phương pháp, tránh tổn hại đến bản thân.

Trong giai đoạn 2020-2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cơ sở giáo dục hầu hết tổ chức cho học sinh, sinh viên học trực tuyến, do đó không xảy ra các vụ cháy nổ trong hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã xảy ra một số vụ cháy nổ nhà dân dẫn đến thiệt hại về người và của, trong đó có một số trẻ em, học sinh.

Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chỉ đạo các địa phương quán triệt và thực có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, trong đó chú trọng việc “lồng ghép việc phổ biến kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khoá trong nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với tùng ngành học, cấp học”.

Đồng thời, Bộ GDĐT triển khai các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở giao dục thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, PCCC trong các cơ sở giáo dục và đào tạo đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết và trước các kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, lồng ghép trong chỉ thị năm học hoặc các văn bản chỉ đạo điều hành.

Bộ GDĐT đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, với mục đích:

- Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV.

- Triển khai các giải pháp của ngành giáo dục nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên. Hình thành thế hệ công dân có đầy đủ kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trước khi tham gia thị trường lao động.

Quang cảnh phiên họp

Ban hành Thông tư số 06 hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục

Liên quan đến công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứ hộ (PCCC & CNCH), đại diện Bộ GDĐT cho biết, tại Nghị quyết 99/2019/QH14, Bộ GDĐT được giao nhiệm vụ xây dựng, ban hành Thông tư quy định về việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học.

Kết quả, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT- BGDĐT ngày 11/5/2022 hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Bộ GDĐT đã chỉ đạo, tổ chức xây dựng 03 bộ tài liệu, giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm trong cơ sở giáo dục cho bậc học mầm non, bậc tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan, công tác PCCC&CNCH đã được các địa phương tích cực triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục cụ thể như sau:

Các cơ quan, cơ sở giáo dục đều xây dựng phương án PCCC, thành lập Đội PCCC, đội xung kích thanh niên của trường sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy nổ xảy ra. Cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn chủ động kiểm tra nguồn điện khi sử dụng và hết giờ làm việc.

Các Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định, xây dựng hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy; trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy như bình chữa cháy, cát, nước, xô, xẻng...

Đối với các đại học, học viện, các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, đại diện Bộ GDĐT cho biết, đã kiện toàn Ban chỉ đạo, Đội PCCCC&CNCH của đơn vị, duy trì các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực PCCC cho lực lượng tại chỗ; xây dựng các phương án hữu hiệu về PCCC&CNCH. Chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế các thiệt hại trong mọi tình huống cháy nổ. Tăng cường đầu tư các trang thiết bị về PCCC. Chủ động liên hệ với cơ quan đơn vị PCCC tại địa phương tăng cường chế độ kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo về PCCC&CNCH tại đơn vị.

Còn nhiều bất cập trong công tác PCCC&CNCH tại các cơ sở giáo dục

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng các thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ GDĐT đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập như giai đoạn 2020-2022, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức kỹ năng về PCCC&CNCH tại các cơ sở giáo dục chưa được tổ chức, thường xuyên, liên tục. Công tác thực hành, diễn tập trải nghiệm về các hoạt động PCCC&CNCH cho học sinh chưa được triển khai. Trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCC ở các cơ sở giáo dục còn thiếu về số lượng, chủng loại; một số trang thiết bị đã quá hạn sử dụng nhưng chưa được thay thế, bổ sung kịp thời. Công tác phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy ở một số đơn vị, trường học chưa được quan tâm thực hiện…

Bộ GDĐT nêu rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên là do chưa ban hành được danh mục thiết bị tối thiểu để tổ chức các hoạt động thực hành, diễn tập, trải nghiệm về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên các cấp bậc học. Ngoài ra, do nguồn kinh phí cho công tác PCCC của các đơn vị còn hạn chế nên khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động. Cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục chưa được cải tạo, hạn chế về diện tích nên việc tổ chức các hoạt động diễn tập cho học sinh gặp nhiều khó khăn.

Trách nhiệm của Bộ GDĐT

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Bộ GDĐT tập trung phối hợp với các đơn vị thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoàn thành việc ban hành 03 Bộ tài liệu dành cho các cấp bậc học. Phối hợp với Bộ Công an ban hành Thông tư quy định “Tài liệu, thiết bị dạy học tối thiểu đối với hoạt động dạy, học, diễn tập, thực hành về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục”.

Đồng thời tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho đội ngũ cán bộ giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục để bảo đảm điều kiện triển khai có hiệu quả Thông tư số 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường phù hợp với từng cấp, bậc học.

Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các nhà trường, các Sở Giáo dục và đào tạo thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về PCCC &CNCH trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Định kỳ tổ chức các hoạt động thực hành, thực tập, diễn tập để hình thành các kỹ năng ứng phó với các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố cho học sinh, sinh viên.

Vì vậy, Bộ GDĐT nhấn mạnh, công tác PCCC là một công việc rất quan trọng và thường xuyên, để thực hiện tốt công tác này, cần phải có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường để đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đồng thời tổ chức triển khai đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp về PCCC đến mọi công chức, viên chức, cha mẹ học sinh và học sinh, sinh viên, qua đó góp phần mang lại hiệu quả tích cực.

Bộ GDĐT kiến nghị Bộ Công an tăng cường phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành các tài liệu và triển khai tổ chức tập huấn đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy kiến thức kỹ năng về PCCC cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, kiến nghị Bộ Công an hỗ trợ ngành giáo dục trong việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC, kỹ năng sử dụng các phương tiện, máy bơm, thiết bị phục vụ PCCC... để lực lượng PCCC tại cơ sở nắm rõ nghiệp vụ, kỹ năng, có thể ứng phó tại chỗ khi xảy ra sự cố cháy nổ./.

Bích Ngọc