QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, ở khoản 3 Điều 32 Luật Di sản văn hóa đã được sửa đổi, bổ sung quy định là việc xây dựng công trình bảo vệ, phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ 2 đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hiện thì chưa có quy định cụ thể cho các dự án khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Tại khoản 2 Điều 18 của Nghị định 166 của Chính phủ có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh quy định là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thủ trưởng bộ, ngành được giao quản lý trực tiếp di tích phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế, kỹ thuật tu bổ di tích. Khoản 2 Điều 18 của Nghị định 109 của Chính phủ quy định là "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm định nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di sản thế giới, quy hoạch đề án, dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di sản thế giới, dự án cải tạo công trình xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo hướng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan".
Liên quan đến quy định về pháp luật đầu tư, thì tại khoản 1 Điều 3 của Luật số 03 có hiệu lực từ ngày 1/3/2022 "dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô, diện tích, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di sản được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới thuộc cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ". Căn cứ vào quy định tại khoản 5 Điều 41 của Luật Đầu tư 2020 "cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp cao hơn thì cấp đó có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của điều này".
Đại biểu phân tích, theo căn cứ pháp luật về di sản thì hiện chưa có các quy định cụ thể về việc xác định các dự án thương mại, dịch vụ và các dự án khác xây dựng trong vùng lõi, vùng đệm di sản thuộc đối tượng dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích, công trình bảo vệ di tích. Do đó, việc áp dụng quy định về ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang được xem xét, thẩm định theo hướng xây dựng công trình nằm ngoài khu vực Di sản thế giới và vùng đệm của khu vực Di sản thế giới có nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định của pháp luật liên quan, theo quy định khoản 2 Điều 18 Nghị định 109 của Chính phủ.
Như vậy, sẽ dẫn đến nguy cơ, tuy nhiên ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo hướng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Đối với các dự án thuộc nhóm đối tượng chuyển tiếp của Luật Đầu tư năm 2014 mà đề nghị điều chỉnh không mở rộng quy mô dự án và cho thuê đất, do đó không thuộc đối tượng phải điều chỉnh của chủ trương đầu tư khi điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Nghị định số 31 của Chính phủ. Do đó, tại cơ quan ở địa phương áp dụng việc thực hiện ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin đến Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới để làm cơ sở triển khai dự án, triển khai đánh giá tác động di sản, đánh giá tác động môi trường theo Công ước của Di sản thế giới và các tiêu chí hướng dẫn, dẫn đến việc rất khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung.
Toàn cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 32 của Luật Di sản cũng quy định rõ là các khu vực bảo vệ thì đã có quy định trong nội dung và đồng thời cũng quy định tại Điều 3 của Luật số 03, trong đó điểm g1 vào sau điểm g của khoản 1 Điều 31 là dự án đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật về di sản, không phân biệt quy mô diện tích, dân số, phạm vi khu vực bảo vệ 1 và thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích.
Như vậy, sẽ dẫn đến ranh giới được xác định như ở diện tích dân số, phạm vi khu vực bảo vệ 1 và thẩm quyền di tích quốc gia khu vực đặc biệt và thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích phải thuộc thẩm quyền, chủ trương đồng ý của Thủ tướng Chính phủ là chưa phù hợp với việc xây dựng các công trình nhà dân cũng như cần xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là bất cập và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu cho biết, thực tế thì nhiều dự án nhỏ mang tính chất phục vụ an sinh xã hội và có tính cấp thiết thực hiện nhanh để đảm bảo an sinh xã hội cũng như là phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì phải trình cấp trên duyệt nên tốn rất nhiều thời gian như là dự án nhà ở xã hội, các dự án chung cư cho người thu nhập thấp, các dự án tái định cư hay là một số các khu đất dự án của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư đã được cấp có thẩm quyền cấp ở các quy hoạch lớp trên muốn thực hiện thì lại phải quay lại làm thủ tục đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật số 03. Các nội dung nêu trên thì gây khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc triển khai thực hiện trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội.
Từ phân tích trên đại biểu tiếp tục kiến nghị sửa đổi nội dung tại điểm g1 của khoản 1 Điều 3 Luật số 03 về quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo hướng là giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới khi có ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động nguồn lực trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, trước hết cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa (đồng thời cũng xem xét sửa đổi một số nội dung của các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên môi trường...) để khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc trong vấn đề khoanh vùng bảo vệ đối với các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam và di tích đã được lập theo các quy định trước khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 có hiệu lực thi hành; công tác quản lý, triển khai dự án ở các khu vực lân cận hoặc tiếp giáp các khu vực bảo vệ di tích. Đồng thời bổ sung nội dung khuyến khích hồi cố cổ vật; xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích... để đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.
TS.Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế
Các Bộ, ngành Trung ương cần xem xét, hỗ trợ bố trí kinh phí để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và các dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di tích thuộc hệ thống di sản thế giới mà Tỉnh có đề nghị sự hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương như Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đồng thời, sớm nghiên cứu ban hành quy định về định mức tài chính và quy định cụ thể nguồn kinh phí cho công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế vì vậy TS. Phan Thanh Hải kiến nghị cần nhanh chóng có các văn bản hành chính để hướng dẫn về nguyên tắc hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, tiếp nhận hỗ trợ và thanh quyết toán khoản hỗ trợ cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế từ nguồn vốn ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác làm cơ sở tổ chức thực hiện, sớm tiếp nhận các nguồn hỗ trợ để đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, mua cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật hiện lưu lạc ở nước ngoài...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa nhằm thu hút nhiều nguồn lực xã hội tham gia mạnh mẽ trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc tham gia sâu rộng vào các Công ước quốc tế về di sản văn hóa để tạo tiền đề cho việc thu hồi (hồi hương) các di sản vật thể (di vật, cổ vật, bảo vật) trên thế giới.
Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế bảo tàng, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp để kịp thời phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam. Xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực và nhân lực phù hợp để triển khai hiệu quả hoạt động bảo tàng từ trung ương đến các tỉnh. Mặc dù, Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 đã triển khai và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, tuy nhiên một số nội dung của quy hoạch vẫn chưa được triển khai đồng bộ, vì vậy cần tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến 2030, định hướng 2050; trong đó có định hướng nội dung, giải pháp trưng bày cụ thể để tránh trùng lặp giữa các Bảo tàng công lập cũng như bảo tàng ngoài công lập.