THẢO LUẬN TỔ 10: QUY ĐỊNH RÕ THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CƠ QUAN XỬ LÝ VI PHẠM CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

09/06/2023

Thảo luận tại Tổ 10 về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành luật; đồng thời đề nghị ban soạn thảo rà soát một số quy định đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật; quy trịnh rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý vi phạm công trình quốc phòng và khu quân sự; hạn chế giao Chính phủ, các bộ ngành ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện.

THẢO LUẬN TỔ 10: RÀ SOÁT QUY ĐỊNH VỀ QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT VÀ TỔ CHỨC PHÁT TRIỂN QUỸ ĐẤT

Toàn cảnh Tổ 10 thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tổ 10, gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Cho ý kiến về sự cần thiết ban hành luật, đa số ý kiến cho rằng, việc ban hành luật nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ Công trình quốc phòng và khu quân sự; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của Luật với pháp luật có liên quan; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ Công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu lực, hiệu quả.

Góp ý về quy định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, tại điểm a khoản 3 Điều 11 dự thảo Luật quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác đối với các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này, bao gồm cả chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng”. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 148 Luật Đất đai năm 2013 quy định về Thẩm quyền quản lý đối với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh. Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước đối với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thuộc địa bàn quản lý hành chính của địa phương. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không đúng mục đích để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng...

Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Như vậy, quy định của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự dự kiến giao Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng. Đây là điểm mới so với quy định của Luật Đất đai năm 2013 đang được xem xét sửa đổi, dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Do đó, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, sửa đổi chỉnh lý quy định này phù hợp với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về 2 thời điểm kiểm kê công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 13) của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn An đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về thời điểm tổng kiểm kê được thực hiện định kỳ 10 năm. Tuy nhiên, thời điểm kiểm kê nên thực hiện vào cuối kỳ quyết toán năm (tức là một năm một lần) như dự thảo luật sẽ phù hợp với tình hình thực tế.

Tại phiên thảo luận Tổ 10, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng nêu thực tiễn về việc phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 12), có ý kiến đề nghị rà soát quy định về phá dỡ công trình quốc phòng để phù hợp và thống nhất với quy định của Luật Xây dựng năm 2014, Luật Phòng cháy và chữa cháy về việc phá dỡ công trình trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn cháy; có ý kiến cho rằng, các trường hợp được phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự quy định tại khoản 1 chưa bao quát đối với trường hợp cụ thể.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu nêu thực tiễn về việc phá dỡ công trình quốc phòng sau khi thay đổi mục đích không còn tác dụng sử dụng nhưng không thể tháo dỡ, bồi thường, thay đổi công năng. Bởi nếu đền bù tháo dỡ sẽ vướng về quy trình thủ tục, hồ sơ, đánh giá, định giá tài sản (theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công). Đặc biệt, với công trình quốc phòng hình thành qua giai đoạn lịch sử khác nhau, không thể tiếp cận đầy đủ hồ sơ; hơn nữa tính chuyên môn của các công trình này không cho phép áp dụng quy định thông thường để đánh giá. Vì vậy, nếu không có quy định rõ trong dự thảo luật, rất khó thực hiện chuyển đổi mục đích, bồi thường hoặc phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tương tự, dự thảo luật quy định đối với việc xử lý vi phạm, làm ảnh hưởng đến các công trình quốc phòng và khu quân sự còn chung chung. Trong đó, dự thảo đã nêu trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chính quyền các địa phương trong việc xử lý vi phạm nhưng chưa nêu rõ hình thức xử lý như thế nào, cơ quan nào là đầu mối, xử lý theo hành lang pháp lý nào; đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu điều chỉnh các quy định của dự thảo luật thống nhất về phạm vi phá dỡ, chuyển đổi công trình quốc phòng, tránh trùng chéo với luật liên quan như Luật Phòng thủ dân sự, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai… Dự thảo luật có 6 chương, 34 điều nhưng có hơn 10 điều khoản giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh quy định, hướng dẫn cụ thể. Đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị hạn chế quy định tại nghị định, trường hợp cần thiết quy định tại nghị định, cần bổ sung dự thảo đi kèm để đại biểu Quốc hội tham khảo và cho ý kiến.

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị hạn chế giao Chính phủ, các bộ ngành ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện

Đại biểu Ngô Đông Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị nêu rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chính quyền các địa phương trong việc xử lý vi phạm công trình quốc phòng và khu quân sự.

Lan Hương - Nghĩa Đức