ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: TÌM RA GIẢI PHÁP, QUYẾT SÁCH PHÙ HỢP ĐÁP ỨNG NIỀM TIN VÀ MONG MỎI CỦA CỬ TRI

05/06/2023

Ngày mai (06/6), Quốc hội khóa XV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Trong 2,5 ngày, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 04 nhóm vấn đề. Chia sẻ trước thềm phiên chất vấn, Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam tin tưởng, phiên chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao. Từ đó, đưa ra giải pháp, quyết sách phù hợp đáp ứng niềm tin và mong mỏi của cử tri cả nước...

ĐBQH NGUYỄN HẢI ANH: KỲ VỌNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ “SÁT SƯỜN” CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN TRÔNG ĐỢI

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra từ ngày 6 -8/6/2023. Theo Chương trình, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: Lao động, thương binh và xã hội; giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; dân tộc.

4 Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ bên lề Kỳ họp, trước thềm phiên chất vấn diễn ra, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang cho rằng, 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn đều là nội dung được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm. Đại biểu bày tỏ tin tưởng, phiên chất vấn sẽ diễn ra với tinh thần thẳng thắn, khách quan, đi thẳng vào vấn đề. Từ đó, đưa ra các giải pháp, quyết sách phù hợp đáp ứng niềm tin và mong mỏi của Nhân dân và cử tri cả nước nhằm tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam 

Phóng viên: Chất vấn là hoạt động không thể thiếu và luôn được mong chờ tại mỗi kỳ họp của Quốc hội. Vậy, đại biểu có nhận định như thế nào về nhóm các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Đối với 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp thứ 5 đều là những nội dung được cử tri, Nhân dân và các Đoàn đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm. Tôi tin tưởng rằng với sự chuẩn bị chu đáo, phiên chất vấn sẽ diễn ra thẳng thắn, đúng trọng tâm, trọng điểm, nêu rõ giải pháp tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân.

Những lĩnh vực và nhóm vấn đề  được lựa chọn thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự đồng thuận và thống nhất cao của Quốc hội. Từ rất nhiều vấn đề quan trọng, Quốc hội đã thống nhất lựa chọn những vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết hơn nổi lên thời gian qua. Đây không chỉ là vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người dân mà còn là những vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc lựa chọn nhóm các vấn đề chất vấn một lần nữa cho thấy, không khí làm việc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV hết sức khẩn trương, dân chủ, khách quan. Việc lựa chọn các vấn đề chất vấn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện theo đúng các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp Quốc hội,... ; đảm bảo tính khoa học đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc lựa chọn đúng, trúng vấn đề chất vấn.

Phóng viên: Trực tiếp tham gia phiên chất vấn diễn ra từ ngày 6 -8/6 tới đây, đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt tới nội dung nào?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Đối với 4 nhóm vấn đề chất vấn về lao động, thương binh và xã hội; giao thông và vận tải; khoa học và công nghệ; dân tộc nội dung nào cũng quan trọng. Tuy nhiên, tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, vừa qua, Nhà nước dành nhiều kinh phí cho khoa học nhưng hiệu quả mang lại chưa thiết thực. Do đó, vấn đề này cũng cần được Bộ trưởng giải trình, làm rõ nguyên nhân, từ đó có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, tình hình trật tự an toàn giao thông ở nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an toàn; văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém; số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta vẫn còn cao, đang là vấn đề bức xúc của xã hội cần giải quyết;...

Ngoài ra, hiện nay công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm xe là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, ý kiến của các cơ quan chức năng và dư luận xã hội, một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực. Thực tế này cho thấy công tác quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải bộc lộ nhiều hạn chế; việc thi công các dự án trọng điểm quốc gia của ngành giao thông còn chậm tiến độ và đội vốn so với chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội giao cần phải giải trình làm rõ;…

Bên cạnh đó, về nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và các đối tượng yếu thế trong xã hội sau đại dịch của ngành lao động có tác động như thế nào đối với đời sống Nhân dân cũng cần có đánh giá toàn diện tại diễn đàn Quốc hội. Từ đó, xem xét về tác động và hiệu quả thực hiện của chính sách đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước? Đặc biệt là tình hình hiện nay nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, dẫn đến người lao động bị giãn việc, mất việc,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động.

Phóng viên: Trước khi phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra, Đại biểu có kỳ vọng như thế nào về kết quả của phiên chất vấn?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Tại các phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tôi tin tưởng các vị đại biểu Quốc hội sẽ nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước đến nghị trường; nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vào chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao, thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội.

Đồng thời, Quốc hội cũng thể hiện sự chia sẻ, đồng hành trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm tìm ra các giải pháp, quyết sách phù hợp đáp ứng niềm tin và mong mỏi của Nhân dân và cử tri cả nước.

Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực. Từ đó, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi trước mắt và lâu dài, cam kết khắc phục những tồn tại và hạn chế trong thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lê Anh - Nghĩa Đức