ĐBQH MAI THỊ PHƯƠNG HOA: CẦN GIẢI PHÁP CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

05/06/2023

Thảo luận về về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đề nghị cần có những giải pháp cụ thể và căn cơ để chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 1/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC; CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

Phát biểu tại phiên họp về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình khó khăn với tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế. Vừa qua, một thông tin của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đã thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Đó là, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được thì đã bán và bán bằng 50% giá thực, người mua đa phần là người nước ngoài. Đây là thực tế đáng lo ngại, nhất là đối với những doanh nghiệp cần giữ và cần phải hỗ trợ để nền kinh tế phát triển.

Theo đại biểu, khó khăn về kinh tế có yếu tố toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, sức chống chịu và cạnh tranh chưa cao nhưng cũng cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Nếu không, những doanh nhân Việt Nam có thể trở nên nhụt chí, lựa chọn biện pháp an toàn là bán bớt tài sản, không muốn phát triển kinh doanh nữa.

Kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đánh giá cao việc thời gian qua đã thực hiện các giải pháp về thuế, trong đó có giải pháp về thuế giá trị gia tăng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, qua đó tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời bày tỏ nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu nêu rõ, phương án của Chính phủ kéo dài đến hết 31/12/2023 là quá ngắn. Chính phủ dự báo khó khăn, thách thức thời gian tới còn rất lớn, nền kinh tế tiếp tục chịu tác động kép từ yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Do đó, để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trên thực tế và trong điều kiện thu ngân sách nhà nước cao hơn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc đến hết năm 2024. Cùng với chính sách này, cần không chậm trễ trong hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với chính sách hỗ trợ về thuế, đại biểu đề nghị xem xét, cân nhắc chính sách về tiền tệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý hơn. Đồng thời, chỉ thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết và có dấu hiệu sai phạm rõ ràng. Chấn chỉnh ngay những sai phạm nhỏ từ sớm, từ xa, tránh tình trạng để sai phạm có tính chất hệ thống, tràn lan, trở nên trầm trọng thì xử lý luôn bằng biện pháp hình sự.

Toàn cảnh kỳ họp

Cần giải pháp chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Góp ý về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu rõ, từ khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đến nay Chính phủ đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 63 và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong công tác này vẫn còn có một số điểm hạn chế. Mặc dù đã có định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ 2021-2026 nhưng có dự án Luật vẫn không trình đúng tiến độ hoặc phải lùi thời hạn trình Quốc hội. Có dự án Luật không bảo đảm chất lượng như dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), dự án Luật Phát triển công nghiệp.

Một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung thuộc các lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng,... Một số văn bản có đời sống khá ngắn, chất lượng không đáp ứng yêu cầu phải sửa đổi sau vài năm ban hành. Có những nội dung không phù hợp phải tiến hành sửa đổi khi có sự giám sát của Quốc hội hoặc có nội dung gây khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân khi áp dụng thực tiễn trong cuộc sống. Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Tính đến tháng 4/2023, vẫn còn 44 điều, khoản của 37 luật, pháp lệnh chưa được Chính phủ và 15 bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết; 64 văn bản đã ban hành nhưng chậm so với yêu cầu, cá biệt có văn bản chậm hơn 8 năm, một số văn bản chậm từ 3 đến 4 năm.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh, có một nghịch lý là trong khi các tờ trình để trình khi ban hành văn bản đều có mục sự cần thiết và lý giải về tính cấp thiết nếu không ban hành ngay sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Trong khi đó, đến khi luật có hiệu lực được 8 năm sau vẫn chưa ban hành văn bản quy định chi tiết để đối tượng chịu sự tác động thực hiện. Một số báo cáo đánh giá tác động không đánh giá được hết số tiền phải chi cho việc thay đổi chính sách và nguồn tiền từ đâu, dẫn đến khi thực hiện ngân sách nhà nước phải chi một khoản tiền rất lớn, ảnh hưởng đến thu chi ngân sách. Đáng lưu ý, tại một số văn bản trong quá trình soạn thảo và thảo luận phải tập trung vào việc đưa ra những chính sách mới hoặc sửa đổi những chính sách không còn phù hợp để gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp thì lại tập trung quá nhiều vào việc xem một thẩm quyền thuộc về cơ quan nào. Tình trạng các bộ, ngành không có cùng một tiếng nói khi Chính phủ trình văn bản ra Quốc hội vẫn còn.

Đại biểu cho rằng, dành vừa đủ thời gian thảo luận cho nội dung về thẩm quyền mới phù hợp, nếu nhiều quá sẽ không tiết kiệm được thời gian dành cho các nội dung khác. Những hạn chế trên cần phải thẳng thắn nhìn nhận bởi đã gây sự lãng phí rất lớn về tiền của, thời gian, công sức cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước cũng như của người dân, doanh nghiệp. Sự lãng phí này là lãng phí về cơ hội phát triển, có trường hợp tính được bằng tiền, có trường hợp không tính được bằng tiền nhưng có thể làm chậm lại sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng, khi văn bản đã được đưa vào chương trình, cơ quan soạn thảo cần tập trung mọi nguồn lực để xây dựng văn bản thật tốt, cả về nội dung và trình tự ban hành. Đồng thời, cần có những giải pháp cụ thể và căn cơ để chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động kỹ hơn, lượng hóa bằng tiền cho từng chính sách trên cơ sở tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước. Bộ Tư pháp cần làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho Chính phủ trong thẩm định, đôn đốc những bộ, ngành thực hiện không đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thời hạn, quy trình, thủ tục./.

Minh Thành