QUY ĐỊNH RÕ CHẾ TÀI, TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHẬM BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

01/06/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Các đại biểu đánh giá, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được khắc phục triệt để; do đó kiến nghị Quốc hội quy định rõ chế tài, trách nhiệm pháp lý cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật không thực tế, thiếu khả thi hoặc chậm ban hành, sửa đổi.

ĐẠI BIỂU KIẾN NGHỊ LẤY KẾT QUẢ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT LÀM CĂN CỨ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

ƯU TIÊN BỐ TRÍ NGUỒN LỰC NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHUYỂN ĐỔI SỐ

Toàn cảnh phiên họp

Đóng góp ý kiến đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho biết, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua đã thể hiện rõ nét sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng hoàn thiện thể chế chất lượng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội. Hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh cùng với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ, định mức là thước đo và là cơ sở quan trọng nhất để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Năm 2022, 602 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được ban hành. Trong đó, ban hành mới gần 10.000 văn bản; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trên 2.600 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, điều cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội quan tâm là Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành các quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Cùng với đó, tình trạng nợ đọng, chậm văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Có tới 44 điều khoản của 37 luật, pháp lệnh chưa được Chính phủ và 15 bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết.

Từ thực trạng trên, đại biểu Lý Thị Lan kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Sau mỗi hội nghị, cần triển khai và giao cơ quan chức năng ban hành, tổ chức thực hiện ngay; đưa các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống. Qua đó, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, nếu làm tốt thì đây sẽ là cơ sở, là gốc cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá, công tác xây dựng pháp luật trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết vẫn tiếp tục còn tình trạng chậm, nợ đọng, phản ứng chính sách chưa thực sự kịp thời. Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm và qua nhiều nhiệm kỳ. Tuy đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế.

Lấy dẫn chứng cho vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thanh Lam chỉ ra thực tế trong việc nợ đọng, chậm ban hành văn bản thuộc lĩnh vực do Ủy ban Xã hội phụ trách. Theo đó, một số nội dung văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng yêu cầu về thời hạn ban hành; tình trạng nợ ban hành văn bản hướng dẫn của một số Luật vẫn còn tồn tại; có văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Theo đại biểu, việc chậm, nợ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã phần nào trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng trong thực thi chính sách cho các nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng người có công với cách mạng, nhóm đối tượng yếu thế, người già, người khuyết tật.

Bên cạnh đó, việc ban hành chậm, muộn sẽ dẫn tới việc cấp cơ sở phải đối mặt với nhiều bất cập trong thực tiễn, khó trong bố trí nguồn lực để thực thi. Có thể thấy, hệ thống văn bản chậm, nợ đọng chính là chướng ngại vật làm tắc con đường chính sách của nhà nước đến với người dân, đây không chỉ là lãng phí mà còn là đạo đức, trách nhiệm. Trước thực trạng trên, đại biểu cho rằng cần sớm có quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao nếu xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Tập trung hoàn thiện nhanh các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, quản trị xã hội và tổ chức thực hiện một cách thực chất.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

Nhận thấy tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho biết, tính đến tháng 4/2023, vẫn còn 44 điều, khoản của 37 luật, pháp lệnh chưa được Chính phủ và 15 bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết; 64 văn bản đã ban hành nhưng chậm so với yêu cầu, cá biệt có văn bản chậm hơn 8 năm.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh, có một nghịch lý là trong khi các tờ trình để trình khi ban hành văn bản đều có mục sự cần thiết và lý giải về tính cấp thiết nếu không ban hành ngay sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Trong khi đó, đến khi luật có hiệu lực được 8 năm sau vẫn chưa ban hành văn bản quy định chi tiết để đối tượng chịu sự tác động thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp cần làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho Chính phủ trong thẩm định, đôn đốc những bộ, ngành thực hiện không đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thời hạn, quy trình, thủ tục.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nêu rõ, tình trạng trên làm cho luật không đi vào thực tế, gây cản trở sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cử tri Bình Dương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ lấy kết quả hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm căn cứ để đánh giá hiệu quả của các bộ, ngành trung ương hàng năm và căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới. Đây là nhiệm vụ đột phá do Đảng đề ra nhưng hàng năm vẫn chậm, đại biểu đặt vấn đề, liệu có phải kỷ luật, kỷ cương trong hoàn thiện thể chế, chính sách chưa nghiêm?

Trên cơ sở những lĩnh vực cử tri bức xúc nhất trước mỗi kỳ họp, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu, bố trí thảo luận và phân tích sâu theo từng nhóm, lĩnh vực, tránh dàn trải để đánh giá. Qua đó, xem xét có cần thiết phải sửa thể chế hay không, hoặc cần có giải pháp như nào để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trách nhiệm này thuộc về ai. Đồng thời, đưa giải pháp vào các danh mục, những công việc cần làm ngay trong Nghị quyết của kỳ họp. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công giám sát chặt chẽ việc thực hiện và công khai kết quả cho cử tri được rõ.

Nhấn mạnh việc hoàn thiện thông tư, nghị định pháp luật càng lâu bao nhiêu thì doanh nghiệp, người dân thiệt hại bấy nhiêu, lãng phí nhiều cơ hội đầu tư và phát triển của đất nước. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Quốc hội quy định rõ chế tài, trách nhiệm pháp lý cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật không thực tế, thiếu khả thi hoặc chậm ban hành, sửa đổi, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp./.

Minh Thành