THẢO LUẬN TỔ 04: XÁC ĐỊNH HỆ QUẢ ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ - CẦN THIẾT NHƯNG CẦN THẬN TRỌNG

30/05/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 30/5, thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời lưu ý rà soát quy định kỹ lưỡng nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, đề nghị thận trọng trong quy định về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

NHẤT TRÍ TRÌNH QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM

THẢO LUẬN TỔ 4: BỐI CẢNH NĂM 2023 ĐÒI HỎI NHỮNG GIẢI PHÁP KHÁC BIỆT, ĐỘT PHÁ, CỤ THỂ ĐỂ THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng 

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh, bố cục và cách thức thể hiện dự thảo Nghị quyết như nội dung đã trình theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Nghị quyết tiếp tục được kế thừa như quy định của Nghị quyết số 85/2014/QH13, bổ sung quy định về việc ngưng hiệu lực đối với một số quy định của các luật có liên quan và sửa đổi, bổ sung 02 Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo đảm quy định cụ thể, chặt chẽ các nội dung về đối tượng, thời gian, căn cứ lấy phiếu tín nhiệm

Các đại biểu nhất trí với việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 06 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên để bảo đảm chặt chẽ hơn liên quan đến quy định này, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng đề nghị làm rõ thời gian không điều hành công tác là từ 06 tháng trở lên là tính liên tục hay cộng dồn và cần có hướng dẫn cụ thể là thời điểm tính thời gian là lúc nào.

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Lã Thanh Tân cũng đề nghị đối với Điều 12 dự thảo Nghị quyết quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, cần bổ sung thêm nội dung kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ. Điều này để bảo đảm thống nhất với Quy định số 96-QĐ/TW.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị thời gian lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành 2 lần trong nhiệm kỳ 5 năm. Đại biểu chỉ rõ, lần thứ nhất sẽ được tiến hành sau 2 năm sau khi được bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn đảm nhiệm chức vụ. Đây sẽ là kênh để rà soát, xem xét năng lực cán bộ có khả năng đáp ứng, hoàn thành nhiệm vụ công tác trên thực tế, đồng thời là kênh cho quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ sau. Lần thứ hai được tiến hành sau 4 năm. Việc tiếp tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm lúc này là cơ sở để xem xét chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kì mới, theo đó có thể bổ sung quy hoạch cũng như loại ra khỏi quy hoạch những cán bộ tín nhiệm không cao.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Cần có thêm căn cứ, cơ sở để đánh giá trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm

Dự thảo Nghị quyết có quy định những người được lấy phiếu tín nhiệm và có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi Báo cáo và Bản kê khai tài sản, thu nhập hoặc báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có).

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu 

Tuy nhiên theo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu và đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng trong dự thảo cần bổ sung nội dung có báo cáo kiểm điểm cá nhân để các đại biểu có thêm căn cứ đánh giá, xem xét trước khi lấy phiếu. Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh cần có quy định rõ về các căn cứ đánh giá đong đếm, định lượng kết quả thực hiện công tác của những người được lấy phiếu tín nhiệm trước mỗi kì lấy phiếu.

Có cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng cũng cho rằng hiện nay thông tin đầu vào để đánh giá trước khi tiến hành lấy phiếu còn hạn chế nên phần nào ảnh hướng đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm có khi còn hình thức. Khi đó, nếu máy móc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm để xử lý cán bộ sẽ không thực sự hợp lý, có thể dẫn đến mất cán bộ một cách không thỏa đáng.

Theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi, trong đánh giá công tác cán bộ cần xem xét đánh giá về năng lực và sở trường, không nên cực đoan trong xử lý cán bộ mà có đánh giá kết quả, làm rõ nguyên nhân tình hình. Đại biểu nhấn mạnh cần phân định làm rõ nguyên nhân nhiều trường hợp của phiếu tín nhiệm thấp bởi đó có thể là do chính bản thân cán bộ nhưng cũng có thể là do bố trí công việc không phù hợp, bổ nhiệm vào vị trí công tác không phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ...

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng lưu ý rằng, lấy phiếu là nguồn tham khảo quan trọng trong đánh giá cán bộ nhưng không mang tính quyết định. Bởi việc sử dụng, đánh giá cán bộ có cả quá trình đánh giá và có cả hệ thống tổ chức để theo dõi thường xuyên, liên tục. Do đó, không nên không nên cực đoan trong xử lý hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu là cần thiết nhưng cần thận trọng trọng trong công tác cán bộ, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Bảo Yến - Phạm Thắng