THẢO LUẬN TỔ 04: BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ XUẤT NHẬP CẢNH

27/05/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, chiều 27/5, thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật; ghi nhận các nội dung mới là bước tiến trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong xuất nhập cảnh.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2024

Thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng

Thảo luận tại tổ, các đại biểu bày tỏ cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật này và cho rằng việc xây dựng Luật góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Các đại biểu nêu rõ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này.

Đại biểu Nguyễn Minh Quang – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Minh Quang – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng nhất trí với sự cần thiết và các chính sách mới đề xuất sửa đổi trong dự thảo Luật. Quan tâm đến nhóm nội dung sửa đổi các quy định của Luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam; nâng cao hiệu quả quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Quang đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến khoản 5 Điều 2 của dự thảo Luật về khai báo tạm trú. Dự thảo Luật quy định theo hướng, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Quang, quy định người nước ngoài khai báo tạm trú tại công an xã là chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu của chính sách đề ra và chưa đồng bộ với điều ước quốc tế, chưa thống nhất với Luật Biên phòng. Bởi trường hợp người nước ngoài vào khu vực biên giới có liên quan đến trách nhiệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và các Hiệp định có liên quan giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Do đó, cần tiếp tục rà soát các quy định có liên quan, không để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo thuận lợi cho người nước ngoài đi lại, hoạt động ở khu vực biên giới; đồng thời bảo đảm hiệu quả công tác quản lý.

 Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau 

Có chung vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, nước ta là nước có đường biên giới cả trên biển và trên đất liên dài, song không phải khu vực nào cũng có khu dân cư và trụ sở, đồn hay trạm công an. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung nội dung khai báo tạm trú tại đồn biên phòng, cũng như cần bổ sung quy định về trách nhiệm đối với bộ đội biên phòng liên quan đến vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng nhấn mạnh việc sửa đổi luật nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho khách người ngoài, kích cầu du lịch.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng trong bối cảnh nước ta đang tích cực triển khai định danh điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó việc sửa đổi luật lần này sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đại biểu bày tỏ nhất trí với việc mở rộng diện cấp thị thực điện tử, mở rộng điều kiện áp dụng trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu

Kết luận nội dung thảo luận, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho rằng các nội dung sửa đổi lần này là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị đẩy mạnh công tác quản lý dân cư khi có các quy định sửa đổi về nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật để tránh trường hợp lợi dụng ở lại cư trú bất hợp pháp hoặc lao động “chui”./.

Bảo Yến - Phạm Thắng