TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Rà soát, chỉnh lý khái niệm “sự cố” trong dự thảo luật
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Phòng thủ dân sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu cho rằng, về giải thích từ ngữ "sự cố", khoản 2 Điều 2 trong dự thảo luật về áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và các luật có liên quan tại Điều 5 của dự thảo luật.
Tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 tháng 10/2022 quy định "sự cố là tình huống nguy hiểm nghiêm trọng do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn đến thảm họa". Khoản 2 Điều 2 của dự thảo luật trình tại kỳ họp này quy định "sự cố là tình huống bất thường do thiên tai, dịch bệnh, con người, hậu quả chiến tranh gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại về người, tài sản, môi trường". Như vậy, khái niệm "sự cố" trong dự thảo luật là không tách rời và bao quát được tất cả các loại sự cố đang được quy định trong các luật hiện hành.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông
Hiện nay có rất nhiều luật điều chỉnh về sự cố, đồng thời khái niệm về sự cố trong các luật đều có những nguyên nhân từ thiên nhiên hoặc con người và đều gây ra hoặc đe dọa gây ra hậu quả thiệt hại về người, tài sản, môi trường. Như vậy, khái niệm "sự cố" quy định tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo luật về cơ bản trùng với khái niệm "sự cố" trong các luật khác. Trong khi đó, tại khoản 4 của dự thảo luật quy định "trường hợp luật khác ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có các quy định khác về hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa không trái với nguyên tắc của luật này thì được áp dụng theo quy định của luật đó".
Đồng thời, tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo luật quy định một trong những nguyên tắc phòng thủ dân sự là phải xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, v.v.. Vậy, quy định về giải thích từ ngữ và nguyên tắc áp dụng pháp luật như đã nêu trên sẽ dẫn đến tình trạng có khoảng trống về pháp luật khi xảy ra sự cố mà chưa đến mức ban bố cấp độ phòng thủ dân sự.
Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý khái niệm "sự cố" và quy định về áp dụng pháp luật đảm bảo phù hợp, từ đó tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh của luật cũng như phân định rõ trường hợp nào áp dụng Luật Phòng thủ dân sự, trường hợp nào áp dụng pháp luật có liên quan theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 20 tháng 2/2023 cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Thu gọn đầu mối tổ chức phối hợp liên ngành trong phòng thủ dân sự
Về cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự được thể hiện tại Điều 35 của dự thảo luật, dự thảo luật quy định thành lập cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự theo hướng tinh gọn đầu mối trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai trong tìm kiếm, cứu nạn, đồng thời giao cho Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan này. Đại biểu cơ bản tán thành với chủ trương thu gọn đầu mối của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể trong luật, sau khi các Ban Chỉ đạo, Ủy ban được hợp nhất thì cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp xử lý các công việc phòng, chống, khắc phục sự cố theo quy định của các luật chuyên ngành do các Ban Chỉ đạo, Ủy ban trước đây được giao để tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra.
Ngoài ra, theo quy định của dự thảo luật thì không còn Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của bộ, cơ quan ngang bộ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các cấp do đã sáp nhập với một số ban khác thành cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự cấp bộ, ngành trung ương, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương.
Đồng thời, tại Điều 56 của dự thảo luật quy định bãi bỏ Điều 44 của Luật Phòng, chống thiên tai. Đại biểu cho rằng trong Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và Luật Bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều điểm, khoản quy định về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Đại biểu đề nghị các cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát có đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ phù hợp nhằm thực hiện đúng quy định tại Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bảo đảm các luật nêu trên vẫn được thực thi, vận hành thông suốt theo cơ chế chỉ đạo, điều hành của cơ quan chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự.