CỬ TRI TIN TƯỞNG VÀO NHỮNG QUYẾT SÁCH KỊP THỜI, ĐÚNG ĐẮN CỦA QUỐC HỘI

21/05/2023

Đánh giá cao và vui mừng trước những đổi mới mạnh mẽ tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trước thềm Phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 (22/5), cử tri bày tỏ tin tưởng, Quốc hội sẽ phát huy cao độ trí tuệ tập thể, kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp, tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy tăng trưởng bền vững...

DỰ KIẾN NỘI DUNG KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

KỲ VỌNG NHỮNG QUYẾT SÁCH, DỰ ÁN LUẬT ĐƯỢC THÔNG QUA TẠO ĐÒN BẨY HOÀN THÀNH CÁC MỤC TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI

PHÂN BỔ THỜI GIAN HỢP LÝ, TẠO ĐIỀU KIỆN TỐT NHẤT ĐỂ CÁC CƠ QUAN TIẾP THU, CHỈNH LÝ, HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT, NGHỊ QUYẾT

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào sáng 22/5/2023

Ngày mai (22/5), kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc trọng thể theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo đó, kỳ họp được tiến hành làm 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 22/5 đến ngày 10/6/2023; Đợt 2: từ ngày 19/6 đến ngày 23/6/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 08 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 09 dự án luật khác. Đồng thời, xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét báo cáo của một số cơ quan; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia; giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự  phòng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác….

Theo dõi thông tin họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp, cử tri cho rằng, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trên cả ba lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cử tri chờ đợi và tin tưởng, Quốc hội sẽ phát huy cao độ trí tuệ tập thể, kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp, tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội;...

Quan tâm tới khối lượng công việc lập pháp rất lớn tại kỳ họp lần này, PGS. TS Doãn Hồng Nhung kỳ vọng các vị đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, nêu cao trách nhiệm, đóng góp ý kiến thỏa đáng làm rõ từng nhóm chính sách, quy định sửa đổi trong các dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Đặc biệt quan tâm tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi), PGS.TS Doãn Hồng Nhung đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp thu nghiêm túc, khoa học đối với các ý kiến góp ý. Băn khoăn một số quy định còn chưa thể hiện triệt để tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW, PGS. TS Doãn Hồng Nhung mong muốn, trong phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án luật này, các vị đại biểu Quốc hội sẽ phân tích, làm rõ và kiến nghị hoàn thiện hơn nữa các quy định về giá đất, bồi thường tái định cư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;... đảm bảo khả thi, hiệu quả.

Chờ đợi phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế kiến nghị các đại biểu tập trung bàn thảo, đưa ra những giải pháp tối ưu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội đề ra cho năm 2023. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành các mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế 

TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý, những bất cập từ nội tại nền kinh tế vẫn còn tồn tại, nhất là các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; … . Các doanh nghiệp sức bị ảnh hưởng sau tác động của dịch Covid-19 nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Do đó, cần có giải pháp hết sức cụ thể, tạo đòn bẩy tháo gỡ kịp thời nhằm thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh,...

TS. Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ mong muốn trong các Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cùng Chính phủ trao đổi thẳng thắn, làm rõ những vấn đề còn tồn tại trong quản lý điều hành liên quan đến: việc làm cho người lao động; giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; vấn đề nhà ở xã hội;…

Băn khoăn, lo lắng về tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp và khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cử tri Nguyễn Thị Bình, cựu giáo chức Tp. Việt Trì, kiến nghị Quốc hội cùng Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ. Ngoài ra, cử tri cũng mong muốn các vấn đề liên quan đến thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau được làm rõ về ưu và nhược điểm vì hiện đang gây khó khăn cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh…

“Tôi tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng chương trình nghị sự hết sức thiết thực gắn với các vấn đề của cuộc sống, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ đưa ra những quyết sách kịp thời, vừa đúng vừa trúng để tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay”, cử tri Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Cử tri Nguyễn Thị Bình, Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Thường xuyên theo dõi hoạt động của Quốc hội, cử tri Hoàng Văn Việt, tỉnh Nghệ An đánh giá cao những đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong những đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Cử tri Hoàng Văn Việt kỳ vọng, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy cao độ trí tuệ tập thể, bàn thảo kỹ lưỡng nhằm đưa ra những quyết sách kịp thời, đồng hành với Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Liên quan tới các dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, cử tri Hoàng Văn Việt mong muốn Quốc hội sẽ thảo luận, phân tích nhiều góc độ đối với các dự án luật có liên quan mật thiết với nhau như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi);… nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo khi thi hành.

Bên cạnh đó, lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sống tăng cao, cử tri Hoàng Văn Việt cũng kiến nghị Quốc hội sẽ quan tâm và tăng cường hơn nữa công tác giám sát đối với lĩnh vực này;…./.

Lê Anh