TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 12/5: PHIÊN HỌP THỨ 23 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh
Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh: Toàn diện, quy mô, phức tạp, yêu cầu cao
Nhấn mạnh vai trò đầu tàu kinh tế và tác động lan toả tích cực trong sự phát triển của TP.Hồ Chí Minh, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách về sự cần thiết phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm tạo điều kiện cho TP.Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh.
Dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình gồm 12 điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và TP.Thủ Đức.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong số những nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương thì đây là nghị quyết có phạm vi và quy mô lớn nhất, phức tạp nhất, đòi hỏi cao nhất để đảm bảo giải quyết được các điểm ách tắc, các điểm nghẽn đang làm cản trở phát triển của thành phố hiện nay, tạo được các động lực mới, cú huých mới để phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế cho thành phố, tạo bứt phá cho thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết và thống nhất trình Quốc hội hồ sơ dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh trên cơ sở căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, đảm bảo đúng tính chất thí điểm đối với một số nội dung cụ thể trong không gian và thời gian phù hợp. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng; rà soát tổng thể từng chính sách để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, thực sự cần thiết, khả thi, không chỉ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại mà cần có đột phá vượt trội, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để phát triển, có tính lan tỏa, tác dụng sâu không chỉ đối với Thành phố mà còn cho cả vùng, cả nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý với từng chính sách phải có điều kiện để được thực hiện, gắn trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích của nhà nước và của nhà đầu tư; rà soát để đảm bảo các chính sách không trái với Hiến pháp, phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định trật tự xã hội và đời sống Nhân dân.
Đối với một số chính sách được coi là đột phá như đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), cơ chế này sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách song cũng chỉ ở quy mô hẹp. Do đó, cần nghiên cứu để có bước thực sự đột phá, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tránh "nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo"; tránh một số quy định mang tính dập khuôn như các địa phương khác (như về chuyển đổi đất trồng lúa, quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược…), trong khi đó có thể nghiên cứu trên nền các chính sách này để vận dụng theo hướng đột phá hơn, mạnh mẽ tương xứng với quy mô, vị thế của Thành phố.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ cơ bản thống nhất và ủng hộ Tờ trình của Chính phủ và đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ và của Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học. Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chính phủ đã cho ý kiến nhiều lần. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã 2 lần họp với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và cho ý kiến kỹ lưỡng về nội dung này. Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã chịu khó tìm tòi, tâm huyết, trăn trở và công phu nghiên cứu để có đề xuất các chính sách một cách khá toàn diện và kỳ vọng sẽ tạo ra được những cú hích và những đột phá.
Đồng thời nêu rõ, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý ban hành nghị quyết lần này là hoàn toàn thỏa đáng bởi vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW. Nghị quyết 76/2022/QH15 của Quốc hội cũng đã yêu cầu là Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 trong thời hạn sớm nhất.
Thí điểm phải có kiểm soát, có quản lý
Chủ tịch Quốc hội làm rõ về mặt nguyên tắc đã thí điểm khác với luật phải xác định rõ không gian, thời gian, địa điểm cụ thể để không áp dụng tùy tiện mà có quản lý, có kiểm soát. Quốc hội đồng ý cho áp dụng thí điểm. Chính phủ xây dựng đề án để tổ chức thực hiện. Nếu có vấn đề vượt thẩm quyền sẽ phải báo cáo Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Trong dự thảo Nghị quyết lần này, đối với các chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14 cơ bản đã có đầy đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cả điều kiện thực tiễn áp dụng cho cả Thành phố. Đối với những chính sách mới, chưa có trong Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhưng đã được Quốc hội cho phép áp dụng ở một số địa phương khác trước đó cơ bản nhận được sự thống nhất cao. Ngoài ra còn khoảng 6 chính sách dự kiến sẽ quy định trong các luật sửa đổi tới đây thì đề xuất cho Thành phố áp dụng trước. Quá trình Thành phố tổ chức thực hiện cũng là cơ sở thực tiễn để khi Chính phủ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành có mô hình, có mẫu để đánh giá, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, biên tập để bảo đảm tính tương thích.
Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự thảo Nghị quyết quy định mở rộng lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa. Tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực trên không thấp hơn 100 tỷ đồng, trừ loại hợp đồng O&M.
Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay, tại Thành phố nhiều công trình do Nhà nước quản lý trong các lĩnh vực thể thao (sân vận động, nhà thi đấu đa năng, hồ bơi…), bảo tàng, di tích, di sản văn hóa đã xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Nhiều dự án công trình thể thao chuyên nghiệp như Khu liên hiệp thể dục thể thao chưa được đầu tư mới trong khi Luật Đầu tư theo phương thức PPP không quy định áp dụng thực hiện trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa. Do đó, để có căn cứ huy động nguồn lực xã hội hóa theo phương thức đầu tư PPP, dự thảo Nghị quyết bổ sung các lĩnh vực nêu trên là đối tượng được áp dụng theo Luật PPP.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với phương án mở rộng phạm vi áp dụng hơn so với đề xuất của Chính phủ. Theo đó, không chỉ lĩnh vực thể thao mà có thể văn hóa, y tế…nhưng vấn đề luật không quy định, nhưng Thành phố thấy cần thiết thì có thể mở rộng. Đồng thời, cũng không cần thiết phải quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để Thành phố có cơ sở để linh động hơn trong áp dụng. Khi đó, phân cấp cho Thành phố quyết định tổng mức đầu tư.
Đối với đề xuất áp dụng hợp đồng BOT để xây dựng nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với nội dung này và đề nghị Chính phủ, cũng như cơ quan thẩm tra nghiên cứu để có thêm quy định mang tính chất như “van khóa”, tức quy định về điều kiện để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và chủ đầu tư. Thành phố cũng cần tính toán kỹ phương án tài chính và các cơ chế chính sách kèm theo để đảm bảo hài hòa và hợp lý trong quá trình tổ chức và triển khai.
Đối với đề xuất được thực hiện đầu tư theo Hợp đồng BT, bày tỏ các đồng tình với nội dug này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị có tính toán kỹ thêm về cách thức thực hiện hợp đồng BT đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội gợi ý có thể vừa trả bằng đất, có thể vừa trả bằng tiền khi thanh toán chênh lệch, tức là phần chênh lệch thanh toán có thể bằng tiền hoặc có thể bằng đất hoặc cả bằng đất cả bằng tiền.
Về công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC), Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay có các ý kiến đề xuất mạnh dạn nghiên cứu để chuyển HFIC thành một Quỹ đầu tư của chính quyền địa phương để huy động được nguồn lực lớn hơn và sử dụng tốt hơn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu tính toán thêm đề xuất này.
Cần ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết
Về quản lý nhà nước an toàn thực phẩm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu như chỉ thành lập thêm Sở An toàn thực phẩm như là một số sở khác thì Chính phủ chỉ cần báo cáo với Bộ Chính trị, thẩm quyền Chính phủ và không nhất thiết phải báo cáo với Quốc hội. Nhưng ở đây, khi thành lập Sở An toàn thực phẩm nhưng lại giao một số chức năng, nhiệm vụ khác với quy định hiện hành của luật thì cần phải quy định trong Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để có cách thể hiện trong dự thảo Nghị quyết làm rõ việc thành lập Sở An toàn thực phẩm để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ cụ thể khác một số luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để báo cáo cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Về chi thu nhập tăng thêm, Chủ tịch Quốc hội gợi ý cần có cách viết chặt chẽ như trong Nghị quyết 76/2022/QH15 - Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV trong đó nêu rõ, việc chi thu nhập tăng thêm thực hiện như Nghị quyết 54/2017/QH14 nhưng cần tính toán cân đối để không vượt tổng mức 0,8 quỹ lương cơ bản như Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Với cách viết chặt chẽ như vậy hàm ý có thể trả 1,8 lần, thậm chí có thể trả cho đối tượng nào đó gấp 2 lần nhưng không cào bằng tất cả cán bộ, công chức là trả mức như nhau mà phải tùy theo đóng góp, tùy theo cống hiến cũng như thành tích của các cơ quan và tính tổng toàn thể Thành phố bảo đảm không vượt quá tổng mức là 0,8 quỹ lương cơ bản.
Về điều khoản thi hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị là Hội đồng nhân dân Thành phố không chỉ ban hành quy trình, thủ tục để thực hiện Nghị quyết, mà còn phải ban hành chương trình hành động và kế hoạch, các đề án, quy trình, thủ tục cụ thể để thực hiện. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần có nghị quyết cá biệt theo thẩm quyền như phê duyệt đề án về đầu tư theo hình thức PPP theo Nghị quyết này thì từng năm một xác định hạng mục công trình thế nào.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp hoàn thiện hồ sơ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sớm họp toàn thể để thẩm tra chính thức trình Quốc hội với chất lượng tốt nhất, cùng với công tác thông tin để tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao về chính sách cho Thành phố Hồ Chí Minh.