HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”
Tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên phạm vi cả nước về dự án Luật này. Công tác tổng hợp, tiếp thu thông tin, phản hồi, ý kiến, kiến nghị của nhân dân về dự án luật đang được triển khai tích cực.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng lấy ý kiến như: tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp của các địa phương đại diện cho các vùng, miền có tính đặc thù. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và một số Ủy ban khác của Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan để tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân.
Tham gia đóng góp ý kiến, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoan nghênh và đánh giá cao Ban soạn thảo dự án Luật đã chỉnh lý một số quy định của dự thảo Luật trong quản lý, sử dụng đất đai thuộc các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, đất sử dụng đa mục đích, góp phần giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc của thực tiễn mà các bộ, ngành, địa phương đã phản ánh trong thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Cụ thể là, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung quy hoạch sử dụng đất các cấp, trong đó quy định về khoanh vùng các khu vực sử dụng đất cần quản lý nghiêm ngặt mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, dự thảo Luật đã xác định khu di sản thiên nhiên thuộc khu vực cần quản lý nghiêm ngặt mục đích sử dụng đất, khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thuộc khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã quy định cụ thể hơn về việc thu hồi đất xây dựng các công trình sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập. Theo đó, dự thảo đã quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm đất xây dựng cơ sở văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cơ sở giáo dục và đào tạo; cơ sở thể dục, thể thao. Như vậy, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao ngoài công lập sẽ có cơ hội bình đẳng với các cơ sở công lập về điều kiện tiếp cận với nguồn lực đất đai, góp phần khuyến khích và đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Cùng với đó, dự thảo luật đã quy định rõ đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, trong trường hợp có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với phần diện tích đó. Tiếp tục quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong trường hợp sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời, quy định rõ người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Các quy định này hết sức quan trọng, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của nhiều cơ sở đào tạo bậc đại học, nhất là các cơ sở đang thực hiện thí điểm tự chủ trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến nộp tiền thuê đất và xin miễn, giảm tiền thuê đất.
Về đất tôn giáo, dự thảo luật đã tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 18 về nội dung quản lý đất tôn giáo, đồng thời bổ sung quy định chuyển tiếp tại Điều 244 theo hướng đối với đất do các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được sử dụng đất theo hình thức đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, quy định này là cần thiết để tiếp tục thực hiện ổn định chính sách đối với các cơ sở tôn giáo (trong đó có các trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo) đang được phép hoạt động.
Về đất sử dụng đa mục đích, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định về đất sử dụng đa mục đích theo hướng: đất sử dụng đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp từ hai mục đích trở lên có thể phân định được ranh giới hoặc không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng. Bỏ quy định phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Dự thảo luật cũng đã quy định rõ các loại đất được sử dụng đa mục đích, trong đó có: Đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; Đất sử dụng vào mục đích công cộng kết hợp với thương mại, dịch vụ; Đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ và các mục đích khác; Đất có mặt nước kết hợp với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại, dịch vụ và các mục đích phi nông nghiệp khác; Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng kết hợp với thương mại dịch vụ; Đất sử dụng vào các mục đích được kết hợp để xây dựng điểm thu, phát sóng thông tin di động và các thiết bị phụ trợ; quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời...
Việc quy định các loại đất sử dụng đa mục đích trên đây cơ bản bao quát được thực tiễn sử dụng đất hiện nay. Các quy định bảo đảm thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất cũng được quy định cụ thể tại Điều 117, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai của các tổ chức, cá nhân.