THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM TẠI QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Thường trực Ủy ban Pháp luật họp mở rộng
Thực hiện quyền kiến nghị luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; căn cứ Hiến pháp năm 2013, Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015, Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, trên cơ sở tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến chuyển đổi giới tính, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024.
Trước đó, tại phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bản dạng giới và đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5/2023. Trên cơ sở ý đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến thẩm tra, ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là ý kiến của Bộ Y tế về sự cần thiết xây dựng Luật, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, các nội dung cụ thể về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết đã tiếp thu và bổ sung, làm rõ hơn nội dung về cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, ban hành Luật. Đại biểu cũng đã xác định lại phạm vi điều chỉnh của đề nghị xây dựng Luật là triển khai, thực hiện quy định của Điều 37 Bộ luật Dân sự về “Chuyển đổi giới tính”, trong đó đối tượng điều chỉnh là người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại. Do phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật thay đổi nên đại biểu cũng đề nghị thay đổi tên gọi là dự án Luật Chuyển đổi giới tính, thay cho tên gọi dự án Luật Bản định giới như trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 22.
Ngoài ra, đại biểu cũng đã bổ sung để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo hướng nổ sung ý kiến của Chính phủ tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới; rà soát, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách, đảm bảo yêu cầu tại khoản 2 Điều 35 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tập trung đánh giá tác động phù hợp với phạm vi điều chỉnh mới được xác định là chuyển đổi giới tính.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên điều hành phiên họp
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành một đạo luật để điều chỉnh việc chuyển đổi giới tính nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của một nhóm đối tượng trong xã hội được thực hiện chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật để sống với đúng giới tính của mình. Việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Quốc hội đã hết sức tích cực, tâm huyết, với tinh thần cầu thị và ý thức trách nhiệm cao, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Các đại biểu tham dự phiên họp tán thành với việc thay đổi tên gọi của dự án Luật thành dự án Luật Chuyển đổi giới tính cũng như việc thu hẹp phạm vi điều chỉnh để tập trung triển khai, thực hiện quy định của Điều 37 Bộ luật Dân sự. Đồng thời, cơ bản thống nhất với 4 nhóm chính sách lớn trong đề nghị xây dựng Luật vì đã có sự kế thừa, sắp xếp một cách hợp lý trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề xuất của Bộ Y tế, bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh, tên gọi đã được thay đổi.
Các đại biểu tham dư phiên họp
Một số ý kiến đề nghị, tại dự án Luật cần có quy định để thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính. Cũng có ý kiến băn khoăn với quy định về điều kiện được chuyển đổi giới tính dự kiến quy định tại dự thảo Luật quá rộng, có thể tạo ra một số hậu quả nhất định về mặt xã hội.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, ĐBQH cũng đã tích cực hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên kết luận nội dung phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9) để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và ý kiến tham gia của Chính phủ, đề nghị đại biểu Quốc hội khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để gửi đến các đại biểu Quốc hội theo quy định.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày tờ trình
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành
Các thành viên Ủy ban Pháp luật tại phiên họp
Các đại biểu, khách mời tham dự phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên