ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH TỔ CHỨC HỘI THẢO GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

10/05/2023

Sáng 10/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo.

ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TIẾP XÚC CỬ TRI CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI QUẬN 7

Quang cảnh hội thảo góp ý dự án Luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.

Tại hội thảo, các đại biểu góp ý tập trung về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận, vai trò của UBND cấp xã; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…

Góp ý về hành vi bị nghiêm cấm, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, dự thảo phân làm hai loại bao gồm các hành vi bị nghiêm cấm của cơ quan quản lý Nhà nước và các hành vi bị nghiêm cấm của người sử dụng đất. Việc phân loại này làm cho dễ dàng hơn khi xử lý các hành vi vi phạm. Hơn nữa, đối với các hành vi bị nghiêm cấm đã nêu cụ thể là cơ sở để người dân thực hiện quyền giám sát đối với hành vi bị nghiêm cấm của cơ quan Nhà nước, là người đại diện cho quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Góp ý về phát huy vai trò phản biện của MTTQ đối với chính sách pháp luật về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, đối với đất do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Luật sư Trương Thị Hòa cũng cho rằng, quy định này phát huy của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhưng chưa phát huy, chưa đề cập đến vai trò của MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Do đó, đề nghị bổ sung để phát huy vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp đối với lĩnh vực đất đai.

Theo Luật sư Trương Thị Hoà, khoản 3 Điều 20 dự thảo phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức thành viên các cấp về quản lý sử dụng đất đai. “Hiện nay, tình hình thực tế là có nhiều sự khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Vì vậy, cần bổ sung nêu rõ vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận về vấn đề này”- Luật sư Trương Thị Hoà đề nghị.

Luật sư Trương Thị Hoà góp ý dự án Luật

Góp ý về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai, đại biểu Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP cho rằng, cần quy định bổ sung về quy trình, thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sau khi thực hiện các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, người nhận chuyển quyền thực hiện việc trước bạ sang tên đối với quyền sử dụng đất.

“Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nhận chuyển quyền bởi giá trị giao dịch, họ phải trả bao gồm cả đất và tài sản gắn liền với đất song trên hợp đồng không công chứng cho phần tài sản trên đất do người chuyển quyền trước đó chưa đăng ký quyền sở hữu” - đồng chí Nguyễn Vinh Huy nhấn mạnh.

Góp ý về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, một số ý kiến cho rằng, do nhu cầu thực tế hiện nay có nhiều tranh chấp về thu hồi đất là do giá đền bù, giải tỏa bị khiếu nại nhiều nơi, nhiều cấp, chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số khiếu nại, tố cáo. Do đó, khi thực hiện việc thu hồi quyền sử dụng đất, các đại biểu đề nghị quan tâm giá đất thu hồi được đảm bảo bồi thường theo trị giá của thị trường phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Đất đai.

Để thực hiện được việc đảm bảo này, đề nghị giá đất bồi thường khi thu hồi đất có thể đấu giá hoặc có đơn vị thẩm định giá theo đúng quy định của pháp luật với sự giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các thành viên các cấp để quyền lợi của người bị thu hồi đất được bảo vệ theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật và không bị phát sinh tranh chấp.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi các Điều khoản có liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo sự đồng bộ bao gồm các Nghị quyết, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước,... và một số Luật khác là rất cần thiết.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị thực hiện việc rà soát các quy định có liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) ngay cả sau khi Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có biện pháp giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Dự kiến, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).

(Theo Cổng thông tin Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh)